Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay” nêu: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”
Đồng chí Huỳnh Tấn Việt - Ảnh: M.KÝ
Nhận định của Ban Chấp hành Trung ương là rất thẳng thắn, đúng mức và nghiêm túc. Ðiều đó cho thấy công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên của các tổ chức đảng, nhất là tổ chức cơ sở đảng còn nhiều bất cập.
Thực tiễn trong sinh hoạt đảng, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên ở không ít tổ chức đảng chưa thường xuyên; nhiều nơi trong sinh hoạt chi bộ chỉ mới quan tâm việc phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chưa chú trọng giáo dục, bồi dưỡng, kiểm tra việc thực hiện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật đảng bị xử lý, nhưng ít khi do tổ chức đảng nơi đó phát hiện, mà hầu hết thông qua các cuộc kiểm tra hoặc quần chúng phản ánh. Ðiều đó chứng tỏ: Nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống của tổ chức đảng có mặt chưa phù hợp, mới chú trọng việc truyền đạt một chiều, chưa hình thành được ý thức tự giác trong việc thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tuy đã đạt một số kết quả nhất định; nhưng ở một số nơi, vẫn có cán bộ, đảng viên, quần chúng không tự giác rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức, lối sống. Hoặc một số nơi nội dung sinh hoạt đảng còn nghèo nàn, chủ yếu đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ trong tháng, đề ra phương hướng, nhiệm vụ tháng tới; tinh thần tự phê bình và phê bình trong thực hiện nhiệm vụ chưa chú ý đúng mức. Có trường hợp đảng viên, cán bộ vi phạm khuyết điểm nhưng việc giúp đỡ, định hướng, sửa chữa chưa được coi trọng. Hằng năm, hầu như mọi đảng viên đều được đánh giá đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, trừ trường hợp vi phạm, có khuyết điểm rõ ràng đã bị kỷ luật. Chính sự xuê xoa ấy đã dẫn đến chủ quan trong tự rèn luyện đạo đức, lối sống.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở nhiều cấp, nhiều nơi chưa thường xuyên, thiếu biện pháp phù hợp; tác dụng của kiểm tra, giám sát việc thực hiện những chuẩn mực đạo đức chưa cao. Ðể góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng, theo tôi, cần tập trung thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, các tổ chức đảng cùng với việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, cần thường xuyên quan tâm đúng mức việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Coi việc giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng. Thông qua công tác tuyên truyền để giúp cán bộ, đảng viên nắm vững và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời vận động mọi người cùng thực hiện. Ðối với một số vụ việc nổi cộm xảy ra tại đơn vị, cấp ủy phải tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, phân tích rõ đúng, sai, tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức theo chuẩn mực, hoàn thiện nhân cách theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ: “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Việc tự giác học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức chỉ có kết quả tốt khi cán bộ, đảng viên tự đánh giá đúng chính bản thân mình, để mặt tốt thì phát huy, cái xấu thì kiên quyết sửa chữa khắc phục.
Nguyên cán bộ lãnh đạo toàn tỉnh dự hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” - Ảnh: T.BÍCH
Thứ hai, cấp ủy, tổ chức đảng đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục cán bộ, đảng viên, gắn việc kiểm điểm thực hiện chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên, qua đó, định hướng hoạt động cho cán bộ, đảng viên. Ðối với những chủ trương, chính sách liên quan việc giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện các quy định pháp luật như Luật Thực hành tiết kiệm, Luật Phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Quy định những điều đảng viên không được làm hoặc về công tác cán bộ..., cấp ủy phải quán triệt đến cán bộ, đảng viên, làm cho mọi cán bộ, đảng viên hiểu, nâng cao nhận thức và xác định nhiệm vụ để thực hiện tốt chủ trương này. Thông qua sinh hoạt đảng thường kỳ, các cấp ủy cần chú trọng đưa nội dung giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên vào nghị quyết của chi bộ, đảng bộ. Nội dung rèn luyện phải gắn với nhiệm vụ của người đảng viên. Ðối với đảng viên trẻ, chú trọng giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, yêu quê hương, nêu cao tính tự giác, tự phấn đấu rèn luyện, tránh tư tưởng thực dụng, cá nhân chủ nghĩa, tiêu cực... Quá trình giáo dục phải giúp đảng viên trẻ tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống.
Thứ ba, quan tâm quyền, lợi ích chính đáng của cán bộ, đảng viên, tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên giữ gìn đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh. Từng bước xây dựng chế độ tiền công, tiền lương, thưởng đồng bộ, tương xứng với trách nhiệm và hiệu quả công việc được giao, khắc phục sự chênh lệch bất hợp lý giữa các vùng, miền, các lĩnh vực công tác, các đối tượng cán bộ... Trên cơ sở tình hình thực tiễn địa phương, đơn vị, cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo việc xây dựng và thực hiện quy chế cơ quan, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên học tập, công tác, rèn luyện, giúp họ tránh sai phạm dẫn đến thoái hóa, biến chất; tổ chức khen thưởng kịp thời những cán bộ, đảng viên gương mẫu, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kể cả kiểm tra, giám sát đột xuất đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là giám sát chặt chẽ đối với những cán bộ, đảng viên đảm nhiệm các nhiệm vụ liên quan các lĩnh vực quản lý tài chính, đất đai, xây dựng cơ bản, tư pháp; những cán bộ làm việc ở các đơn vị độc lập, hoặc cơ quan trực thuộc Trung ương nhưng tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy địa phương,... Qua kiểm tra, giám sát, giúp cán bộ, đảng viên tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm; đồng thời xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật để giáo dục chung.
Có thể nói, giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống là công việc quan trọng, thường xuyên của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Cần sự nỗ lực của cả hai phía: tổ chức đảng và bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, xem đó như việc đánh răng, rửa mặt hằng ngày vậy.
HUỲNH TẤN VIỆT
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh