Báo chí là nhân tố góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, tác phẩm báo chí về nhiệm vụ then chốt này đa phần còn ở dạng thông tin xơ cứng, thiếu lôi cuốn. Làm sao để viết về lĩnh vực này cho hấp dẫn là nỗi trăn trở của những người làm báo.
Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với nhà báo Bắc Văn, nguyên Trưởng ban Xây dựng Đảng, Báo Nhân Dân xung quanh vấn đề nói trên.
Nhà báo Bắc Văn. Ảnh: MINH NGUYỆT |
* Xin ông cho biết vai trò của báo chí trong công tác xây dựng Đảng?
- Báo chí như nhịp cầu kết nối giữa ý Đảng với lòng dân, để từ đó góp phần biến ý chí của Đảng thành sức mạnh trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống. Hiện nay, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được thực hiện quyết liệt thì vai trò của báo chí lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Trước hết, báo chí là công cụ đắc lực truyền đi quyết tâm của Đảng, cổ vũ cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; phản ánh kịp thời, khách quan mọi công việc mà Đảng đang làm để củng cố niềm tin của nhân dân, đồng thời phản bác, vạch trần luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch mà chúng rêu rao cho rằng nội bộ Đảng ta đấu đá nhau, chứ không phải là chống tham nhũng. Đội ngũ những người làm báo luôn đồng hành cùng cấp ủy, khích lệ cái mới, tạo sức lan tỏa trong cuộc sống, trăn trở tìm hướng giải quyết những vấn đề đặt ra, góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng.
* Đặc trưng của một tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng là gì, thưa ông?
- Viết về xây dựng Đảng là viết về con người trong tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước với tất cả tư tưởng, tình cảm, tâm tư, ý chí, hành động trước mỗi vấn đề, công việc của cuộc sống hàng ngày. Ở lĩnh vực nào cũng vậy, con người bao giờ cũng là trung tâm, nhưng con người trong viết về xây dựng Đảng là con người trong các mối quan hệ với: cấp ủy và tổ chức đảng, với nhân dân, với đồng chí, với công việc, với chính mình và với các thế lực thù địch.
Tôi nghĩ, đây là nét đặc trưng rõ nhất trong viết về xây dựng Đảng. Mà khi viết về lĩnh vực này thường liên quan đến sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên, cho nên phải hết sức thận trọng, thẩm tra, xác minh thật kỹ lưỡng. Tuyệt đối không nghe theo một chiều, không nhìn vào một hiện tượng, nghe một người để suy diễn, quy chụp; đặc biệt, trước vụ việc phức tạp nhạy cảm càng phải lắng nghe thông tin từ nhiều chiều để tìm ra bản chất của vấn đề, không lợi dụng báo chí để chê người này, khen người kia, nhất là trong công tác cán bộ, mỗi khi bầu cử. Người cầm bút nói chung phải có tâm, có dũng khí, có nghiệp vụ thì bài viết mới có sức thuyết phục. Viết về xây dựng Đảng lại càng phải thế.
Nhà báo Bắc Văn trao đổi về cách viết tác phẩm xây dựng Đảng với học viên tại lớp tập huấn được tổ chức ở Phú Yên. Ảnh: MINH NGUYỆT |
* Theo ông, để viết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thì báo chí cần có hướng tiếp cận như thế nào?
- Hướng tiếp cận phải từ nhiều phía, nhưng trước hết là từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm cơ sở để xác định đề tài cần viết, để làm thước đo nhận định mọi vấn đề. Tiếp đó là gặp gỡ, trao đổi với cấp ủy, tổ chức đảng, với những người liên quan đến đề tài định tìm hiểu; đồng thời phải nghiên cứu, nắm chắc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước liên quan đến vấn đề định viết, không chỉ trong một nhiệm kỳ mà có thể nhiều nhiệm kỳ, thậm chí trong cả quá trình đổi mới của Đảng. Quá trình đó sẽ giúp người viết có thể nhìn toàn diện hơn một vấn đề trong cuộc sống trong quá trình hình thành, tồn tại, phát triển của nó...
Để tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng có chiều sâu hay với các lĩnh vực khác cũng thế, nên chọn đúng cái bạn đọc quan tâm và chỉ đi sâu khai thác một nội dung nào đó, không nên ôm đồm nhiều vấn đề trong một bài viết. Viết về công tác cán bộ chẳng hạn thì chỉ nên đi sâu vào một khâu nào đó trong 7 khâu của công tác này, ví dụ như đánh giá, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm hay luân chuyển... Tuy nhiên khi tổng kết một nghị quyết chuyên đề hay một nhiệm kỳ thì người viết có thể lựa chọn một số khâu nổi lên trong công tác này để phản ánh. Hiên nay đang có nhiều vấn đề đặt ra, như suy thoái về đạo đức, lối sống, đánh giá, đề bạt bổ nhiệm, tham nhũng, tiêu cực, kỷ luật cán bộ… Đây là đề tài cho những bài viết nhiều kỳ, nhưng tôi vẫn cho rằng nên chọn những điểm đang cần quan tâm để tìm hiểu, viết, chứ không ôm đồm toàn bộ các khâu của công tác này như một báo cáo của cấp ủy. Một số lĩnh vực khác cũng vậy.
Phương châm là không chỉ cổ vũ cái hay mà phê phán cả cái tiêu cực, chỉ cho họ biết để khắc phục và làm việc tốt hơn, như Bác Hồ nói, phê bình là cốt giúp nhau cùng tiến bộ, phê bình việc chứ không phê bình người. Như thế, nhà báo phải có kiến thức mới nhìn ra cái mới mà cổ vũ, nhận rõ cái tiêu cực mà nhắc nhở, và phải có tâm thì lời phê bình mới đi vào lòng người. Cấp ủy, cơ quan báo chí và nhà báo phải là những người đồng hành, chia sẻ thông tin, phản ánh trung thực sự việc, cùng hướng tới một mục đích là xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
Lực lượng làm báo ở Phú Yên được trang bị kiến thức viết về xây dựng Đảng. Ảnh: MINH NGUYỆT |
* Sự khác nhau giữa viết về xây dựng Đảng với các lĩnh vực khác là gì, thưa ông?
- Sự khác nhau giữa bài về xây dựng Đảng với một bài khác khi viết về một đề tài là phải làm nổi bật được vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng; trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện nghị quyết. Đối tượng của bài viết về xây dựng Đảng là cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên, nhưng không có nghĩa là viết về đảng vụ, mà về phương thức lãnh đạo, tổ chức hoạt động theo các nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Ví dụ, cùng viết về tam nông, người viết bài cho trang kinh tế nông nghiệp lấy người nông dân làm đối tượng tìm hiểu, phản ánh. Người nông dân trồng lúa, nuôi lợn như thế nào thu nhập ra sao? Còn viết về xây dựng Đảng thì người viết lấy đối tượng là cấp ủy, đảng viên trong việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện Chương trình tam nông làm đối tượng tìm hiểu, phán ánh. Vấn đề đặt ra với cấp ủy là trong chương trình tam nông, người nông dân có thuận lợi gì, gặp khó khăn gì, nguyện vọng như thế nào, như tiêu thụ sản phẩm, việc làm, các vấn đề xã hội khác. Từ đó, cấp ủy có giải pháp để phát triển tam nông.
* Đối tượng của tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng là ai?
- Thứ nhất là vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ hoạt động của đất nước (Đảng - Tổ chức đảng, cấp ủy các cấp lãnh đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng về xây dựng hệ thống chính trị các cấp; về phát triển kinh tế - xã hội; về quốc phòng, an ninh, đối ngoại).
Thứ hai là bản thân công tác xây dựng Đảng, đó là đổi mới phương thức lãnh đạo của các tổ chức đảng, cấp ủy; tinh giản, sắp xếp tổ chức, bộ máy; về tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; về công tác cán bộ; về sinh hoạt đảng, tự phê bình và phê bình; về công tác chính trị, tư tưởng; bảo vệ chính trị nội bộ; về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về công tác dân vận của Đảng…
Các thắc mắc của học viên trong cách thức viết về xây dựng Đảng được nhà báo Bắc Văn giải đáp. Ảnh: MINH NGUYỆT |
* Cách thể hiện một tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng sao cho hấp dẫn, thưa ông?
- Đó là ý tưởng và chủ đề phải có cách tiếp cận mới, thể hiện mới, không khuôn sáo, hay sao chép nghị quyết. Ý tưởng và chủ đề phải thể hiện ngay trên tít. Một sự kiện, vụ việc có thể nhìn dưới nhiều góc độ, đây là cách tư duy và nghệ thuật của người cầm bút.
Ví dụ, cùng một vụ việc, một sự kiện có thể nhìn dưới góc độ sinh hoạt đảng, hay chi bộ hay nguyên tắc tập trung dân chủ, hoặc tự phê bình và phê bình. Vì sao lại như vậy? Vì tất cả nội dung đó đều thể hiện một cách cụ thể phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong đó, sinh hoạt đảng hay chi bộ có chất lượng hay không là ở chỗ có thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ hay không, có tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình hay không. Nhưng tất cả đều phải xuất phát từ thực tiễn với con người cụ thể, sự việc cụ thể vì chính thực tiễn mới có sức hấp dẫn lớn nhất.
Viết về xây dựng Đảng là một nghệ thuật, bởi đó là viết về con người trong các hoạt động của tổ chức đảng. Nếu người cầm bút biết lăn lộn trong thực tiễn sôi động, đồng hành cùng cấp ủy, đi sâu vào những vấn đề bạn đọc muốn biết, nói tiếng nói của người trong cuộc, thì tác phẩm của họ không bao giờ khô khan, mà luôn thấm đẫm tình người và có sức hấp dẫn lớn. |
* Theo ông, cách tìm đề tài để viết về xây dựng Đảng như thế nào?
- Chúng ta nên tìm đề tài qua các văn bản của Đảng, như nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế; các hội nghị, hội thảo; báo cáo, có khi chỉ một câu trong văn bản là trở thành đề tài hay. Tìm phát hiện đề tài qua các chuyến công tác, qua báo chí, trang mạng, đồng nghiệp.
Đề tài cần khai thác khác nữa là đi sâu tổng kết một vấn đề trong hoạt động của Đảng như tự phê bình và phê bình; tập trung dân chủ; đổi mới phương thức lãnh đạo ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, nhất là ở cơ sở; xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… Đây đều là những đề tài luôn mang tính thời sự.
Tóm lại, viết về xây dựng Đảng là một nghệ thuật, bởi đó là viết về con người trong các hoạt động của tổ chức đảng. Nếu người cầm bút biết lăn lộn trong thực tiễn sôi động, đồng hành cùng cấp ủy, đi sâu vào những vấn đề bạn đọc muốn biết, nói tiếng nói của người trong cuộc, thì tác phẩm của họ không bao giờ khô khan, mà luôn thấm đẫm tình người và có sức hấp dẫn lớn.
* Xin cảm ơn ông!
MINH NGUYỆT (thực hiện)