Nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống ngành, địa phương là nhiệm vụ được cấp ủy Đảng các cấp trong tỉnh thường xuyên thực hiện. Qua đó tạo sự thống nhất và tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, góp phần đấu tranh chống các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bồi đắp niềm tin cho các thế hệ
Sau khi có Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và công văn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện chỉ thị này, Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Hòa đã yêu cầu Đảng ủy các xã, thị trấn; Đảng bộ các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai. Đồng thời chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy hướng dẫn, đôn đốc cấp cơ sở quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến lịch sử Đảng bộ trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Theo ông Phạm Anh Tân, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Sơn Hòa, đến nay, 10/14 xã, thị trấn đã phát hành ấn phẩm lịch sử Đảng bộ địa phương. Đối với lịch sử Đảng bộ huyện, các giai đoạn 1930-1975, 1975-2000 đã được biên soạn; đang có chủ trương biên soạn lại lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1930-2020. Các cấp ủy cơ sở, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ huyện, lịch sử Đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân. Huyện ủy cũng chỉ đạo Trung tâm Chính trị huyện vận dụng linh hoạt trong việc đưa nội dung về lịch sử Đảng bộ địa phương lồng ghép vào nội dung các chương trình sơ cấp lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trên địa bàn huyện; đồng thời chỉ đạo Phòng GD-ĐT huyện đưa nội dung lịch sử Đảng địa phương lồng ghép trong hệ thống giáo dục phổ thông để phát huy tác dụng của các công trình lịch sử Đảng. Qua đó góp phần nâng cao công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của địa phương, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự nghiệp cách mạng.
Đoàn thanh niên tổ chức hoạt động về nguồn giáo dục truyền thống cách mạng tại Khu di tích lịch sử quốc gia Đồng Khởi Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa). Ảnh: HÀ MY |
Tiếp tục triển khai hiệu quả, chất lượng
Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác lịch sử Đảng; tạo điều kiện thuận lợi để các ngành, địa phương làm tốt công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống cách mạng theo tinh thần Chỉ thị 20-CT/TW. Ngay sau khi Chỉ thị 20-CT/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn 344-CV/TU, ngày 20/6/2018, đồng thời giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn triển khai thực hiện chỉ thị; chỉ đạo các cấp ủy Đảng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Các cấp ủy Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo địa phương, đơn vị nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành; kiểm tra, khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện; tăng cường kinh phí, nâng cao chất lượng biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử.
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, từ khi triển khai Chỉ thị 20-CT/TW đến nay, công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh có nhiều bước tiến mới. Các cấp ủy Đảng, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy nhận thức ngày càng sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng. Đến nay, 9 huyện, thị, thành phố đã hoàn thành biên soạn lịch sử Đảng bộ. 78/110 xã, phường, thị trấn hoàn thành việc biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương. Các công trình đảm bảo tính Đảng và tính khoa học, đóng góp hiệu quả vào việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống cách mạng thấm sâu vào tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng Nhân dân. Qua đó góp phần đấu tranh chống các luận điệu sai trái và âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc, phủ nhận sự thật lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng.
Để thực hiện tốt công tác lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hoài My đề nghị cấp ủy các cấp tăng cường chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vị nhằm bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; tăng cường định hướng, tuyên truyền, giáo dục lịch sử cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn đội ngũ làm công tác lịch sử Đảng từ tỉnh đến cơ sở.
“Hiện nay, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, chính trị luôn tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta trên mọi lĩnh vực, nhất là tư tưởng, lý luận. Trước tình hình đó, công tác tư tưởng, lý luận đặt ra yêu cầu cần tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng, nhằm làm sáng tỏ các chặng đường lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng; tổng kết thực tiễn, những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ mới”, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hoài My nhấn mạnh.
Những giá trị khoa học và thực tiễn của các công trình lịch sử Đảng góp phần làm sáng tỏ hơn sự ra đời và phát triển của Đảng bộ tỉnh nói chung, Đảng bộ các địa phương, ngành nói riêng; đúc kết nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng qua các thời kỳ để phụng sự nhiệm vụ hiện tại và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hoài My |
HÀ MY