Trong nhận thức và hoạt động thực tiễn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định: Cách mạng Việt Nam “trước hết phải có đảng cách mệnh”, “Đảng có vững cách mệnh mới thành công”(1).
Đảng là lực lượng duy nhất lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, sứ mệnh của Đảng trước dân tộc rất vẻ vang, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề. Không phải ngẫu nhiên mà trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trước hết nói về Đảng”, dành nhiều tâm sức dặn dò về việc Đảng cho đồng chí, đồng bào. Trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, Người luôn luôn quan tâm đặc biệt cho xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Với Người, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng không phải là giải pháp tình thế, nhất thời, mà là nhiệm vụ thường xuyên mang tính chiến lược để thực hiện vai trò lãnh đạo cách mạng của mình, là sự vận động của Đảng trong tiến trình phát triển của cách mạng nước ta.
Đoàn kết: Truyền thống cực kỳ quý báu
Trước yêu cầu thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết, khi một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và tha hóa về nhân cách như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã khẳng định. |
Trong lời bế mạc Hội nghị lần thứ bảy mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 12/3/1955, Người nói: “Ngày nay, sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo”(2).
Di chúc của Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã nhấn mạnh những vấn đề rất cơ bản để xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. “Nói về Đảng”, trước hết, Người chỉ rõ: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân tộc ta”(3).
Về các biện pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ trong Di chúc như sau: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(4).
Sự đoàn kết trong Đảng, theo quan niệm của Người, là sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Sự đoàn kết ấy được thực hiện trên cơ sở đường lối, chính sách và theo những nguyên tắc tổ chức của Đảng.
Đoàn kết phải trên cơ sở giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ - tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phải thường xuyên tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ, để sự đoàn kết trong Đảng ngày càng được củng cố và tăng cường.
Với Người, tự phê bình và phê bình còn phải đặt trên cơ sở dân chủ rộng rãi, “mở rộng dân chủ nội bộ”. Muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình. Phê bình và tự phê bình phải có lý, có tình; phê bình một cách chân thành, thẳng thắn, trung thực giữa những người cùng phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng chung.
Giữ gìn Đảng thật trong sạch
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(5).
Theo Người, đạo đức cách mạng là: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”(6).
“Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là phẩm chất phải được thể hiện qua hoạt động thực tiễn cách mạng cũng như trong sinh hoạt, trong đời tư. Người dạy: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”… Mỗi người phải nhận rằng tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”(7). Và Người còn khẳng định: “Một dân tộc biết cần kiệm liêm chính là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”(8).
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm mục tiêu trực tiếp là làm cho Đảng vững mạnh, trong sạch và mục tiêu xa hơn, có tính chất quyết định hơn, tức là làm cho Đảng xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu trong Di chúc. Đảng thành lập, tồn tại và phát triển không phải vì chính bản thân nó, mà vì cách mạng, vì nhân dân, vì Tổ quốc.
Là người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, Đảng luôn luôn hướng mọi suy nghĩ, hành động vào lợi ích của nhân dân. “Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh(9).
-----------------
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập -NXB CTQG-H-1995-T2-tr267-268
(2) Sdd -T7-tr 492.
(3) (4) (5) Sdd -T12-tr497-498.
(6) Sdd -T9-tr285.
(7) (8) Sdd -T5-tr641-642.
(9) Sdd -T4-tr22.
NGUYỄN XUYẾN