Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 diễn ra vào sáng 25/12 tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng yêu cầu “có giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả việc nêu gương, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn Đảng; đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và tăng cường giám sát việc thực hiện, trước hết là thực hiện trách nhiệm nêu gương trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và trong công tác nhân sự”.
Lâu nay, Đảng ta đã có các quy định về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, ngày 25/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương với 8 nội dung rất cụ thể. Việc ban hành các quy định cho thấy vấn đề nêu gương không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên mà còn là một trong các phương thức lãnh đạo của Đảng. Nói vậy là vì bên cạnh lãnh đạo bằng các chủ trương, đường lối đúng đắn, bằng công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục phù hợp, bằng phương pháp tổ chức cán bộ gắn với kiểm tra giám sát thì sự nêu gương trong công tác và đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên có tác dụng thực tiễn rất lớn. Thực tế cho thấy, thời gian qua, ở nhiều địa phương trong nước nói chung và Phú Yên nói riêng, đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, việc nêu gương của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp đã tạo động lực và sức lan tỏa mạnh mẽ trong Đảng và trong toàn dân. Qua đó góp phần nhân rộng ngày càng nhiều những gương người tốt, những hành động, việc làm tử tế, văn minh, góp phần đẩy lùi cái xấu, cái ác và các tệ nạn xã hội khác.
Trong tình hình hiện nay, yêu cầu của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa là mệnh lệnh, vừa là đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống. Vì chỉ có tự giác, thường xuyên nêu gương, mỗi cán bộ, đảng viên – nhất là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu các cấp – mới thực sự nâng cao tính tiền phong, gương mẫu để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao và đồng chí, đồng đội, quần chúng thực sự “tâm phục khẩu phục”. Một khi việc nêu gương được giám sát, khi ấy mỗi cán bộ, đảng viên mới phát huy mạnh mẽ các ưu điểm; nhận rõ và kịp thời khắc phục các khuyết điểm, hạn chế để trở thành gương sáng toàn diện và đúng nghĩa. Khi đó, sức lan truyền của việc nêu gương mới có “độ phủ sóng” nhanh hơn, rộng hơn, vững chắc hơn mà khơi dậy, nuôi dưỡng, thúc đẩy phát triển các phong trào hành động cách mạng của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân.
Bên cạnh ý thức phấn đấu, tu dưỡng của mỗi cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng cần triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động về nêu gương sao cho sát hợp, khả thi, tránh “đầu voi, đuôi chuột”, “đánh trống bỏ dùi”, “nói nhiều, làm ít”… Có như vậy mới “đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên”, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trước mắt là tổ chức thắng lợi đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
SÔNG BA HẠ