Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Sự nêu gương của cán bộ, đảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương.
Ngày 25/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Quy định 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương với sáu nội dung rất căn bản và cụ thể. Quy định mang tính pháp lý, bảo đảm kỷ luật của Đảng gắn liền với tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, dù ở hoàn cảnh khó khăn nào, Đảng ta luôn quan tâm giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên lợi ích của cá nhân và đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Quần chúng nhân dân luôn luôn chú ý đến lời nói và việc làm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Tự mình phải “chính” trước, mới giúp người khác “chính”. Mình không “chính”, mà muốn người khác “chính” là vô lý. Nhân dân bao giờ cũng quan tâm vào sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ, đảng viên có chức vụ cao trong chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật và sống như thế nào, nói và làm ra sao để tin tưởng và noi theo.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(1). Cuộc đời của Người là tấm gương cao đẹp nhất và thuyết phục nhất trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Người là tấm gương tiêu biểu nhất về sự vận dụng phương pháp nêu gương một cách sáng tạo và độc đáo trong thực tiễn rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Nêu gương của người đứng đầu có tầm ảnh hưởng quan trọng
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII), mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thật sự là biểu tượng của trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, phải đề cao trách nhiệm nêu gương bằng hành động cụ thể.
Trong quá trình thực hiện, vai trò nêu gương của người đứng đầu sẽ có tầm ảnh hưởng quan trọng và sức lan tỏa rõ rệt, nhất định sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Nơi nào, người đứng đầu là bí thư cấp ủy, thủ trương cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự mình gương mẫu làm trước, nói đi đôi với làm, thì ở đó việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào thực chất, hiệu quả, thiết thực. Mọi lời giáo huấn của người đứng đầu sẽ trở nên vô ích nếu bản thân không gương mẫu, nói nhiều mà làm ít, hoặc chỉ nói mà không làm, hoặc nói một đằng làm một nẻo.
Việc đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhất thiết phải tập trung vào ba nội dung chủ yếu. Đó là, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tác phong sinh hoạt, công tác.
Về tư tưởng chính trị, người đứng đầu luôn gương mẫu trong quán triệt và bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng, đi đầu trong phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, luôn luôn đặt lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân lên trên hết.
Về đạo đức, lối sống, người đứng đầu tự giác, gương mẫu thực hiện nghiêm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; gương mẫu chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng, cũng như các quy định của tổ chức, cơ quan, đơn vị và địa phương nơi cư trú.
Bản thân không tham nhũng và luôn đi đầu trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống vụ lợi, thực dụng, cơ hội, ích kỷ, lợi ích nhóm; sẵn sàng chịu trách nhiệm khi tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đồng thời có biện pháp kiên quyết sửa chữa...
Về tác phong sinh hoạt và công tác, người đứng đầu phải nêu gương về phong cách tư duy độc lập, sáng tạo, làm việc khoa học, dân chủ, ứng xử có văn hóa, đầy tính nhân văn, nói đi đôi với làm và làm có hiệu quả, giản dị, gần gũi với quần chúng, sâu sát thực tế để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cấp dưới, của nhân dân đồng thời giải quyết kịp thời những nguyện vọng, lợi ích chính đáng đó; kiên quyết loại bỏ những biểu hiện vô cảm, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho cấp dưới, cho doanh nghiệp, cho nhân dân.
Người đứng đầu phải nêu cao tính chiến đấu tự phê bình và phê bình
Trong công tác, người đứng đầu phải gương mẫu chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; luôn đề cao ý thức trách nhiệm với chức trách, nhiệm vụ được giao; dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm; chăm lo xây dựng và tăng cường đoàn kết nội bộ.
Người đứng đầu phải nêu cao tính chiến đấu tự phê bình và phê bình, nếu không gương mẫu tự phê bình và phê bình thì làm sao hướng dẫn cấp dưới làm tốt và phát huy cao nhất tác dụng của giải pháp hết sức quan trọng này. Tự phê bình của người đứng đầu phải đạt tới mức độ làm rung động tình cảm cách mạng của đông đảo quần chúng, có kế hoạch và quyết tâm sửa chữa rõ ràng, chắc chắn sẽ tạo được niềm tin của quần chúng và uy tín của họ sẽ được giữ vững và nâng lên.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu, nếu không nghiêm túc tự phê bình thì sẽ trở thành rào cản lớn kim hãm, làm biến dạng chế độ tự phê bình và phê bình trong các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể. Một khi người đứng đầu không nghiêm túc tự phê bình mình thì họ cũng khó mà phê bình các đồng chí khác và chỉ đạo đảng bộ, đơn vị đó nghiêm túc thực hiện được tự phê bình và phê bình.
Một hiện tượng khá phổ biến trong sinh hoạt hiện nay là người đứng đầu và cán bộ, đảng viên không dám phê bình nhau, tự phê bình và phê bình thiếu nghiêm túc, qua loa, chiếu lệ, dễ người dễ ta, có biểu hiện thỏa hiệp, không phê bình ai, để không ai phê bình mình. Trong phê bình thì không được né tránh, “dĩ hòa vi quý”, nhưng phải chân thành, công tâm, trên tinh thần thương yêu đồng chí, đồng đội; thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, kiên quyết đấu tranh chống biểu hiện chia rẽ, bè phái, lợi dụng phê bình để gây mất đoàn kết.
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, nhiều giải pháp đã được triển khai đồng bộ, trong đó “Đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu” là giải pháp hết sức quan trọng, có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
---------------------------------
(1) Hồ Chí Minh toàn tập - NXB CTQG 1995 - Tập I - trang 263.
NGUYỄN XUYẾN