Báo chí đưa tin Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân vừa ký quyết định thành lập hội đồng kỷ luật công chức đối với lãnh đạo Sở VH-TT-DL thành phố này. Hội đồng có nhiệm vụ xem xét và tham mưu, đề xuất cho chủ tịch trong việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với lãnh đạo Sở VH-TT-DL vì có liên quan đến những sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định.
Cụ thể, vào tháng 3 năm nay, trong vòng 2 tuần trước khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Hồ Chí Minh, đã ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Sự việc lùm xùm nên sau đó, UBND thành phố đã yêu cầu thu hồi, hủy bỏ 20 quyết định, văn bản liên quan đến việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ không đúng quy trình, quy định của ông này. Trước đó gần 3 năm, chuyện bổ nhiệm cán bộ trước khi “hạ cánh an toàn” của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ (TTCP) Trần Văn Truyền cũng khiến dư luận trong nước xôn xao. Cũng theo báo chí, từ tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011, ông Trần Văn Truyền ký quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ (và tương đương) tại cơ quan TTCP, chỉ trong 2 ngày (1/8 và 3/8) ký bổ nhiệm 26 người, riêng ngày 3/8/2011, ký bổ nhiệm 22 người. Sau đợt ông Truyền bổ nhiệm năm 2011, nhiều cục, vụ, đơn vị ở TTCP có từ 4 đến 6 cấp phó; riêng Cục I có 7 cấp phó và 1 hàm cấp phó. Một số cán bộ ngay sau khi được ông Truyền bổ nhiệm đã mắc sai lầm, khuyết điểm, bị kỷ luật thậm chí bị đi tù như ở Cục I, Trung tâm Thông tin hay ở Vụ III thuộc TTCP…
Khi trả lời phỏng vấn cơ quan thông tin đại chúng, cả ông Truyền, ông Rum và đại diện một số tập thể, cá nhân liên quan đều cho rằng việc bổ nhiệm như vậy là bình thường, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ của đơn vị. Nhưng công luận lại cho rằng hai vị lãnh đạo này muốn “hốt cú chót” trước khi về hưu. Bởi vì đùng một cái, trước khi rời ghế, anh lại ký một loạt quyết định đề bạt, bổ nhiệm thì xã hội có quyền nghi ngờ về bản chất của vấn đề: phải chăng đây là hành động “ban ơn” để sau đó được “trả ơn” bằng vật chất, tiền bạc? Việc “hốt cú chót” thực hư thế nào thì khó mà điều tra, xác minh cho thấu tỏ. Tuy nhiên, trước mắt, việc bổ nhiệm không đúng quy trình, quy định nói trên của ông Rum, ông Truyền vô hình chung gây ra một số hệ lụy xấu. Thứ nhất, nó làm “méo mó” công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước (vốn lâu nay đã chịu nhiều góp ý, phê bình rằng công tác này có lúc chưa công khai, chưa khách quan và chưa “đúng người đúng chỗ”). Thứ hai, nó tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng để lu loa, xuyên tạc nhằm phục vụ cho các ý đồ đen tối, rất không có lợi cho sự nghiệp cách mạng…
Làm gì để có thể ngăn chặn tình trạng bổ nhiệm cán bộ “trời ơi đất hỡi” này? Trước hết, mỗi người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong công tác và đạo đức lối sống hàng ngày, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Thứ hai, cán bộ, đảng viên ở tổ chức cơ sở đảng (nơi có thủ trưởng đang sinh hoạt) phải dám và kiên quyết đấu tranh với hành vi sai trái, gây bức xúc công luận của người đứng đầu (Thực tế lâu nay cho thấy ở nhiều chi bộ, đảng bộ cơ sở, việc phát hiện, tố cáo những việc làm tiêu cực của các thủ trưởng hầu hết là do nhân dân, báo chí chứ nội bộ thì rất ít). Thứ ba, cơ quan chức năng cần sớm ban hành các quy định, chế tài về công tác cán bộ. Chẳng hạn như quy định thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan trước khi về hưu 1 năm dứt khoát không được bổ nhiệm, đề bạt cán bộ… Thực hiện quyết liệt, đồng bộ 3 giải pháp trên thì mới hy vọng trong thời gian tới, giảm thiểu được việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ “mang tai mang tiếng” của một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.
SÔNG BA HẠ