Thứ Tư, 15/01/2025 19:33 CH
Tầm quan trọng của việc rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ Ba, 13/02/2007 07:10 SA

Sống trong đất nước Việt Nam nghìn năm văn hiến, hơn ai hết Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận biết một cách sâu sắc truyền thống văn hóa tốt đẹp “tôn trọng đạo đức” cách mạng của dân tộc nên Người luôn xem vấn đề rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng cho người đảng viên cộng sản, người cán bộ cách mạng là một công việc quan trọng hàng đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đạo đức là cái gốc của người đảng viên cộng sản, người cán bộ cách mạng. Người nhấn mạnh: “Cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (1).

 

Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, đề mục đầu tiên, bài giảng đầu tiên Bác giảng cho các thanh niên yêu nước lúc bấy giờ, những hạt giống của cách mạng Việt Nam, của Đảng ta, là bài: “Tư cách người cách mệnh”, và trong Di chúc, lời dặn cuối cùng trước lúc đi xa Người lại căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

 

Cách mạng tháng Tám thành công. Chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, ngày 3/9/1945 trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên sáu vấn đề quan trọng nhất, cấp bách nhất mà chính quyền non trẻ cần tập trung giải quyết. Một trong sáu vấn đề quan trọng, cấp bách đó là vấn đề giáo dục đạo đức “làm cho dân tộc ta trở thành một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động”. Người đề nghị Chính phủ “mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân ta bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”. Để tiến hành việc giáo dục đạo đức cách mạng trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân, theo Chỉ thị của Bác, ngày 3/4/1946 Ủy ban Vận động Đời sống mới Trung ương đã được thành lập, Bác cho xuất bản tập sách “Đời sống mới” (lấy bút danh Tân Sinh) để làm tài liệu tuyên truyền cho cuộc vận động.

 

Năm 1947, trong cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc”, một tác phẩm quan trọng của Bác, đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng của cách mạng, Bác đặc biệt dành nhiều đề mục để nói về đạo đức cách mạng. Người đề cập đến 5 đức tính mà người cán bộ cách mạng cần có là: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm.

 

NHÂN là thật thà yêu thương, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn sàng chịu khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ.

 

NGHĨA là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải dấu Đảng. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.

 

TRÍ vì không có việc tư túi nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Để hiểu lý luận. Để tìm phương hướng. Biết xem người. Biết xét việc.

 

DŨNG là dũng cảm, gan góc. Gặp việc phải, có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa. Cực khổ, khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý không chính đáng. Nếu cần, thì hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc.

 

LIÊM là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh, chính đại, không bao giờ hủ hóa.

 

Với tầm nhìn xa, trông rộng của vị lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo những căn bệnh của một Đảng cầm quyền. Đó là bệnh quan liêu, mệnh lệnh, xa rời quần chúng, tham ô, lãng phí. Ngay từ những năm đầu sau khi giành được chính quyền, với danh nghĩa là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần có chỉ thị, thư từ gửi các ngành, các cấp ngăn ngừa những hành động vi phạm đạo đức. Trong các bức thư “gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, thư “gửi các đồng chí Bắc bộ”, “gửi các đồng chí Trung bộ”, cho đến giờ, đọc lại, thấy như Bác đang dạy bảo, khuyên răn mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta hôm nay. Bác chỉ rõ những căn bệnh cần khắc phục như cá nhân chủ nghĩa, cục bộ địa phương, quan liêu, hách dịch “khi phụ trách ở vùng nào thì như một ông vua con ở đấy, ra vẻ quan cách, làm cho quần chúng sợ hãi…”, “lo ăn ngon mặc đẹp, chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị và công tác của mình để buôn bán phát tài…”

 

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh đến vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, cho mọi người, mọi giới. Với quân đội, Bác dạy “Trung với nước, hiếu với dân”, với ngành y tế, Bác khuyên: “Người thầy thuốc phải như mẹ hiền” v.v…

 

Lịch sử nhân loại đã có nhiều bậc vĩ nhân. Nhưng ít có những vĩ nhân mà tấm gương đạo đức lúc sinh thời cũng như khi đã qua đời lại có ảnh hưởng to lớn, sâu rộng, tỏa sáng mãi mãi như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta. Nói như nhà sử học người Anh Thomas Hodgkin: “… Người ta có thể lý giải là thắng lợi của cách mạng Việt Nam đã tùy thuộc vào tính ưu việt của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

 

BẰNG TÍN

___________

(1): Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Sự thật – Hà Nội.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek