Đã hơn 70 tuổi nhưng già làng Oi Kham (tên khác là So Vọn) ở thôn Hòa Nghĩa (xã Sơn Định, Sơn Hòa) vẫn ngày ngày cùng con cháu lên rẫy trỉa bắp, trồng lúa mang lại thu nhập gia đình. Chiều về sau bữa cơm tối gia đình, già đến từng nhà bà con trong thôn tuyên truyền các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo.
Già làng Oi Kham - Ảnh: H.LINH
Còn nhớ năm 1994, khi Nhà nước có chủ trương mở đường, di dãn dân cư, thấy nơi ở cũ, đất đai cằn cỗi, đường đi lại hết sức khó khăn, già làng Oi Kham đã chủ động vận động bà con ra mặt đường, sinh sống. Để bà con tin, Oi Kham cùng 3 người con đã đi tiên phong cho việc này. Nhờ công tác vận động tốt, hơn 35 hộ dân Chăm H’roi đã theo Oi Kham ra mặt đường, thành lập làng mới lấy tên là Hòa Ngãi. Oi Kham lý giải: “Ngãi, đọc trệt tức là nghĩa; Hòa Ngãi là hòa bình - nghĩa tình. Đặt tên như vậy là mong bà con trong buôn luôn đoàn kết, gắn bó, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau như anh em một nhà”.
Khi đến nơi định cư, bà con được hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi bò, trồng mía và được tập huấn kỹ thuật. Ông Y Tài một người dân trong thôn phấn khởi nói: “Về nơi ở mới, người ít cũng có được vài sào ruộng trồng lúa, người nhiều thì có đến 1ha mía, sắn. Được sống gần trường học, có điện chiếu sáng, già trẻ lớn bé ai cũng ưng cái bụng. Ai cũng biết ơn Đảng, biết ơn già làng Oi Kham nhìn thấu được cuộc sống về sau”.
Không dừng lại ở đó, hàng ngày già làng Oi Kham thường tìm đến những gia đình sinh con đông, nghèo khổ, vợ chồng không hòa thuận để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng rồi tìm lời lẽ khuyên can thích hợp. Từ đó những vợ chồng này tìm được tiếng nói chung, chăm chỉ làm ăn, nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi. Để buôn làng trong ấm ngoài êm, cái đói, bệnh tật không còn xảy ra, già làng Oi Kham thường xuyên nhắc nhở bà con giữ vệ sinh ăn uống, sinh hoạt, chịu khó làm ăn, đùm bọc yêu thương lẫn nhau. Chị Lê Thị Thư giãi bày: “Nhà tôi nghèo, chồng tôi mất sớm, một mình bươn chải nuôi 3 đứa con nhỏ, trong đó cháu Kpá Dúp (10 tuổi) bệnh tâm thần. Giữa lúc gia cảnh khó khăn, già làng Oi Kham vận động bà con quyên góp cơm gạo cưu mang, động viên cố gắng vượt qua. Tôi thực sự biết ơn già làng nhiều lắm. Bây giờ mỗi khi gia đình có việc gì, tôi đều đến nhờ già làng Oi Kham chỉ bảo”.
Với sự phân tích sâu sắc, thấu tình đạt lý của già làng dựa trên cơ sở tập tục và pháp luật, những thanh niên quậy phá trong thôn ít dần, mâu thuẫn nhỏ đều được hòa giải, họ hứa trước già làng và bà con trong buôn làng sẽ không tái phạm, tập trung làm ăn, xây dựng cuộc sống mới. Giờ đây tuổi đã cao, già làng Oi Kham vẫn tích cực tham gia công tác dân vận, đang vận động bà con buôn làng hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
HỒNG LINH