Năm 2007, rời khỏi môi trường “gõ đầu trẻ” với hơn 30 năm gắn bó giảng dạy, công tác (15 năm làm hiệu trưởng), cô Nguyễn Thị Hồng (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) trở về cuộc sống đời thường cùng với những việc làm có ích cho đời.
Cô Nguyễn Thị Hồng được nhiều người gọi là “giai nhân phố núi” và cũng là một cây bút đầy nữ tính xứ này. Dù đã tuổi 62, trông cô vẫn thanh tao, đằm thắm ở sắc vóc. Cả dáng đứng đi và lời ăn tiếng nói của cô cũng nhẹ nhàng từ tốn. Cuộc đời cô lần lượt gắn với 3 lĩnh vực: nhà giáo, nhà thơ, nhà từ thiện.
Người phụ nữ này được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Ba của cô là ông Nguyễn Thạnh, một trong những “hạt giống đỏ” của quê hương Đồng Xuân anh hùng. Ồng là đảng viên thuộc Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở tỉnh Phú Yên được thành lập tại xóm Đồng Bé (thị trấn La Hai).
Cô Nguyễn Thị Hồng đang múc cháo cho bệnh nhân - Ảnh: K.HƯƠNG
VÌ HỌC SINH NGHÈO, ĐỒNG NGHIỆP KHÓ KHĂN
Yêu quê hương, cô Hồng có vần thơ: Đồng Xuân quê nhà yêu dấu/Có đàn em ngoan cắp sách đến trường/Có những bạn bè không hề chùn bước/Trước khó khăn chật vật đời thường.
Về hưu, cô Hồng luôn mong muốn góp chút tấm lòng, sức lực còn lại giúp ích cho quê nhà, nhất là những học sinh, những đồng nghiệp yêu quý. Khi được đề xuất tham gia vào Ban chỉ đạo chương trình Quốc gia: “Tiếp bước cho em đến trường” của Đảng ủy thị trấn La Hai, cô Hồng rất vui. Cô nói: “Việc làm này rất phù hợp, nên tôi thấy vui và cố gắng làm thật tốt. Thời gian còn công tác ở trường, tôi cũng đã từng đi vận động sự ủng hộ kinh phí của các ngành, các hộ kinh doanh và những nhà hảo tâm để giúp học sinh có điều kiện tiếp tục đến trường”.
Cô đã cùng các thành viên trong Ban chỉ đạo tổ chức đêm văn nghệ Mừng Đảng, mừng Xuân để quyên góp thêm kinh phí. Năm 2010, Ban chỉ đạo chương trình Quốc gia: “Tiếp bước cho em đến trường” của thị trấn vận động 40 triệu đồng, giúp hơn 350 học sinh ở thị trấn có quần áo, sách vở đến trường và một ít quà tết (dầu ăn, bột ngọt) cho gia đình các em. Năm 2011, số tiền vận động được tăng lên với 80 triệu đồng, giúp đỡ gần 500 học sinh nghèo trong thị trấn. “Nhìn các học sinh, các bậc phụ huynh vui mừng hớn hở, tôi và các thành viên trong chương trình được động viên tinh thần rất nhiều”, cô Hồng thổ lộ.
Làm Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Đồng Xuân, cô Hồng cũng tâm huyết và luôn trăn trở với việc động viên, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Hội có 112 người, trong đó có 30% người không có lương. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam hàng năm, Hội cũng đã giúp đỡ, hỗ trợ cho các giáo viên đã về hưu hoàn cảnh còn khó khăn. Cô giáo Mạnh Thị Xuân Hương (thị trấn La Hai), cho biết: “Khi còn là Hiệu trưởng Trường tiểu học La Hai 1, cô Hồng tâm huyết, dốc lòng cùng tập thể xây dựng trường đạt xuất sắc cấp tỉnh; là một trong những trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh. Về hưu, cô Hồng luôn chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn của học sinh, đồng nghiệp và những trường hợp khác”.
CHIA SẺ VỚI BỆNH NHÂN NGHÈO
Đồng chí Lương Mộng Sanh, Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân, nhận xét: “Việc làm của cô Hồng tuy còn nhỏ bé nhưng có sức cộng hưởng rất lớn, nhất là trong giai đoạn cả nước đang triển khai Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cùng với 12 mô hình tập thể huyện sẽ triển khai thực hiện, thì những tấm gương cá nhân như cô Hồng sẽ là điển hình để tuyên truyền nhân rộng.
Trong quá trình dạy học, có những mẩu chuyện cô Hồng kể cho học sinh nghe về tấm gương Bác để các em noi theo. Thì chính hôm nay, bản thân cô thể hiện được những việc làm đầy tình người như đã vận dụng bài học từ Bác.
Nhiều lần đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân khám sức khỏe, cô thấy những người già yếu và những người dân tộc vùng cao khó khăn không ai chăm sóc, nên rất xúc động. Cô đã trao đổi và được sự nhất trí của một số giáo viên về hưu cùng nhau góp ít lương hưu mỗi tháng để nấu cháo dinh dưỡng giúp bệnh nhân tại bệnh viện. Cô Hồng cho biết: “Lúc đầu chỉ có 5 người tự nguyện tham gia. Rồi việc làm bé nhỏ đó đã được lãnh đạo thị trấn La Hai, lãnh đạo huyện Đồng Xuân, Hội Chữ thập đỏ huyện, Bệnh viện Đa khoa huyện tạo điều kiện, khuyến khích. Đến nay nhóm Nhân ái do cô Hồng phụ trách đã có gần 20 người tham gia. Trong đó, các chị làm nông, những người buôn bán nhỏ cùng chung góp củi, gạo, tiền rồi tự đi chợ, nấu cháo dinh dưỡng phục vụ bệnh nhân. Từ hai lần/tháng nay nồi cháo nhân ái của họ đã được đem đến bệnh viện bốn lần/tháng. Mỗi sáng thứ tư hàng tuần, nồi cháo dinh dưỡng với khoảng 80 suất được các nhà hảo tâm phát cho bệnh nhân. Không chỉ vậy, các chị trong nhóm từ thiện Nhân ái còn đem thêm 10 chiếc tô để múc cháo cho người ở xa, đi khám bệnh sớm. Hôm thứ tư vừa rồi, trong lúc phục vụ cháo, cô Hồng nghe một cụ ông nói: “Cháo ngon lắm. Đây là cháo tình, cháo nghĩa. Tôi đã được ăn nhiều lần rồi”. Nghe vậy cô Hồng thấy ấm lòng. Để có được chén cháo thơm ngon, bổ dưỡng cho người bệnh, các thành viên vừa góp tiền, vừa cặm cụi nấu cháo từ 3 giờ sáng.
Cô Hồng nói, thấy mỗi tuần phát cháo một lần vẫn còn ít, muốn nhân lên nhiều lần nhưng nguồn kinh phí vận động còn hạn chế. Khi thành lập nhóm, cô cũng đi học hỏi thêm cách làm của những người làm trước ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sao cho duy trì hiệu quả. “Quê hương mình còn nghèo. Mỗi người có điều kiện cần cố gắng góp một chút của, chút công. Tuy việc làm nhỏ bé, nhưng đó là những giọt nước trong biển nhân ái mênh mông của tình người”, cô Hồng chia sẻ.
Cảm kích trước việc làm của nhóm Nhân ái, có người đã gởi vài trăm ngàn đồng đóng góp vào quỹ từ thiện đó. Vậy là nhóm từ thiện Nhân ái đã có quỹ 15 triệu đồng gởi vào ngân hàng để dành nấu cháo lâu dài.
* * *
Các con thành tài, thành danh ở TP Hồ Chí Minh mong mẹ vào để nuôi dưỡng, nhưng cô Hồng chọn ở lại quê nhà để chăm sóc mẹ già lúc cuối đời. Giờ sống một mình đạm bạc trong căn nhà nhỏ, song cô cảm thấy thanh thản. Hạnh phúc hơn là chính cô đã làm được những việc vì cộng đồng.
THU THỦY