Sinh ra và lớn lên ở làng biển, nhờ biển nuôi sống bản thân và gia đình, vì vậy đối với ông Nguyễn Thanh Nhơn (SN 1967 ở thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu), biển là nguồn sống, là ngôi nhà thứ hai. Với tình yêu dành cho biển, trong thời gian qua, ông Nhơn tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường biển, giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.
Với những thành tích đã đạt được trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo và ANTT khu vực biên giới biển” giai đoạn 2015-2020, ông Nguyễn Thành Nhơn đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. |
Thôn Hòa Lợi nằm ở phía bắc cửa đầm Cù Mông. Đây là làng biển lâu đời với hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ của ngư dân làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trong đầm, ngoài biển. Truyền thống khai thác đánh bắt hải sản lâu đời của người dân Hòa Lợi được thể hiện qua di tích lăng Hòa Lợi - một công trình văn hóa tâm linh, nơi thờ cá Ông được xây dựng từ giữa thế kỷ XIX với kiến trúc độc đáo được xếp hạng di tích cấp tỉnh, cũng là nơi diễn ra các hoạt động lễ hội văn hóa của người dân địa phương. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị như bản sắc phong của các vua triều Nguyễn, bộ tượng thờ cổ bằng chất liệu đất nung…
Cũng như nhiều làng biển khác, làng biển Hòa Lợi vốn yên bình, người dân từ đời này sang đời khác cần cù, chăm chỉ làm ăn, chủ yếu bằng nghề chài lưới. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng về dân số, vì cuộc sống khó khăn trước mắt, có một thời gian, Hòa Lợi nổi lên với tình trạng người dân lén lút sử dụng kích điện, hóa chất, vật liệu nổ, phương tiện cấm để đánh bắt hải sản, gây ô nhiễm môi trường biển, làm cho nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, ảnh hưởng đến tình hình ANTT, gây bức xúc trong ngư dân.
Trước tình hình trên, Đồn Biên phòng Xuân Thịnh (nay là Đồn Biên phòng Xuân Hòa) phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật và các quy định về khai thác hải sản cho ngư dân; phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo và ANTT khu vực biên giới biển”, xây dựng mạng lưới biên phòng nhân dân, các tổ tàu thuyền an toàn… làm “tai mắt” cho BĐBP.
Ông Nguyễn Thanh Nhơn là một trong những ngư dân tích cực tham gia Tổ tàu thuyền an toàn thôn Hòa Lợi và phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo và ANTT khu vực biên giới biển” ngay từ những ngày đầu. Đại úy Nguyễn Văn Hình, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Xuân Hòa cho biết, trong thời gian qua, ông Nhơn luôn đi đầu trong việc tham gia các hoạt động, mô hình sản xuất an toàn, bảo vệ ANTT ở cơ sở. Ông thường xuyên tiếp xúc, quan hệ tốt với mọi người dân trong thôn, xóm, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn; nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vận động, tuyên truyền bà con chấp hành tốt đường lối chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhất là các quy định về nuôi trồng, đánh bắt hải sản, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bà con ngư dân đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển đảo. Đồng thời cung cấp cho BĐBP nhiều nguồn tin có giá trị, phục vụ công tác nghiệp vụ, giữ gìn ANTT. Nhờ có những người như ông Nhơn, lực lượng biên phòng đã bắt quả tang, kịp thời ngăn chặn nhiều vụ dùng kích điện, hóa chất, vật liệu nổ khai thác hải sản ở vùng biển do đơn vị quản lý. Như vụ bắt quả tang ông Nguyễn Tr (trú thôn Phú Hạnh, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An) dùng kích điện khai thác hải sản trái phép tại khu vực cửa biển Hòa Lợi. Hay vụ bắt quả tang ông Lê Văn T (ở thôn Hòa Lợi), cùng 2 con trai đang dùng chất nổ đánh cá trên vùng biển Bãi Tràm. Đặc biệt là vụ bắt quả tang 2 đối tượng Nguyễn Thế Tuấn và Nguyễn Văn Cường (cùng trú phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, Khánh Hòa) hoạt động với quy mô lớn, mang tính chuyên nghiệp, sử dụng hàng chục kilogam thuốc nổ đánh bắt hải sản ở vùng biển giáp ranh với tỉnh Bình Định…
Ông Nhơn tâm sự: “Trước kia, phương tiện, ngư cụ đánh bắt cá của ngư dân rất đơn sơ, không có máy dò cá hay la bàn, định vị mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Ban ngày thì nhìn vào hướng mặt trời, hướng gió để di chuyển, còn về đêm nhìn trăng sao để xác định phương hướng. Vậy mà chuyến biển nào cũng đầy ắp tôm cá. Sau này, do khai thác quá mức, nhất là tình trạng dùng thuốc nổ, xung điện để khai thác đã làm cho nguồn thủy sinh dần cạn kiệt”. Theo ông Nhơn, tuy nguồn lợi tự nhiên từ biển là rất lớn, nhưng nếu khai thác theo kiểu tận diệt thì hậu quả sẽ khôn lường. Đây là nguy cơ báo động không chỉ với biển, với bà con ngư dân mà cho cả đời sống của biết bao người trên bờ. “Biết khai thác cũng phải biết nuôi dưỡng, chứ không thể cứ thấy lộc biển thì dùng bằng hết, khai thác đến tận cùng thì đời con đời cháu sẽ không còn gì”, ông Nhơn thổ lộ.
LẠC HỒNG