Tự mình vươn lên làm kinh tế, rồi quay lại giúp đỡ, vận động bà con làm theo, Y Nam - người dân tộc Chăm H’roi ở thôn Nguyên Xuân, xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) không chỉ là nông dân sản xuất giỏi mà còn khẳng định được phẩm chất của người đảng viên gương mẫu. Y Nam xứng đáng với bằng khen của UBND tỉnh về những thành tích đã đạt được.
LÀM GIÀU TỪ CÂY MÍA
40 tuổi, Y Nam đã có 15 năm gắn bó với cây mía. Đến nay, gia đình anh canh tác mía trên diện tích 6ha. Y Nam chia sẻ: Đất đồi núi chỉ cấy lúa thì năng suất thấp, cuộc sống bấp bênh. Thực hiện chính sách phát triển kinh tế nông thôn, lấy cây mía làm cây trồng chủ lực của xã nhà, tôi đã cải tạo diện tích đất sản xuất để trồng mía. Từ khi Nhà máy đường KCP đi vào hoạt động, cùng với quy hoạch của địa phương, diện tích sản xuất của gia đình tôi thuộc vùng nguyên liệu của nhà máy. Nhờ vậy, tôi được tập huấn phương pháp chăm sóc đúng kỹ thuật, được đầu tư cây giống, phân bón. Đặc biệt, gia đình còn được công ty bao tiêu sản phẩm, ổn định được đầu ra nên tôi yên tâm sản xuất.
Đầu tư cho cây mía, Y Nam đã bỏ vốn mua một máy trồng mía, máy làm cỏ mía, máy bơm nước và góp vốn mua xe hợp đồng với Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam để chủ động vận chuyển. “Để cây mía phát triển tốt, đảm bảo chất lượng giao cho nhà máy, tôi phải vừa học hỏi kỹ thuật để nâng cao trình độ vừa bám sát đồng ruộng trong suốt quá trình cây mía sinh trưởng và phát triển. Nhờ vậy, tôi kịp thời phòng trừ sâu bệnh, làm cỏ, bón phân cho mía. Đặc biệt, vào mùa nắng hạn kéo dài, tôi phải túc trực để chủ động kéo nước từ các con suối, đảm bảo đúng lượng nước cho mía như đã được tập huấn. Ngoài ra, tôi luôn phải tìm hiểu thị trường, nắm bắt thông tin từ những anh em cùng làm nghề trong và ngoài tỉnh để biết thêm về những giống mía tốt, cho năng suất cao, phù hợp với chất đất của địa phương. Đất không phụ người, nhìn vào sản lượng tăng lên hàng năm tôi thấy phấn khởi lắm. Ví như, vụ mía năm 2010-2011, sản lượng mía của gia đình đạt 650 tấn, sang vụ 2012-2013 gia đình tôi thu 725 tấn” - anh cho biết thêm.
Ngoài thâm canh cây mía, Y Nam còn canh tác 4 sào lúa nước 2 vụ và nuôi 4 con bò lai. Gối vụ trồng mía, Y Nam tranh thủ xuống vụ dưa hấu. Đó là cách Y Nam tính toán để ổn định cuộc sống, tăng thu nhập.
Từ những cố gắng trong làm ăn, gia đình Y Nam luôn đạt thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Tổng thu nhập năm 2010 đạt 204 triệu đồng, năm 2011 đạt 224 triệu đồng, năm 2012 đạt 260 triệu đồng, qua năm 2013 trên 300 triệu đồng. Hiện anh đã có một ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi và con cái cũng được học tập đàng hoàng.
GIÚP ĐỠ BÀ CON TRONG THÔN
Người dân thôn Nguyên Xuân không chỉ biết tới Y Nam là một người làm kinh tế giỏi, mà còn bởi anh là đảng viên, phó thôn và là thành viên trong Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Sơn Nguyên. “Tôi luôn nhận thức được trọng trách của mình, làm hết sức mình để xứng đáng với sự tín nhiệm của bà con trong thôn. Thấy trồng mía có lợi, tôi cùng chính quyền xã vận động bà con trồng mía và biến toàn bộ diện tích mía trong buôn thành vùng nguyên liệu của Nhà máy đường KCP. Đến nay, cả thôn có tổng diện tích gieo trồng 320ha, trong đó diện tích trồng mía 280ha”. Bà Hờ Lợi (thôn Nguyên Xuân) cho biết: Cả thôn chỉ có vài nhà xây to đẹp thì trong đó nhà của Y Nam là khang trang nhất. Y Nam làm mía giỏi lại chịu khó. Cả thôn lấy đó học theo. Bà con gặp khó khăn gì, cứ tới hỏi là Y Nam sẵn sàng giúp.
Có thu nhập, Y Nam không chỉ hướng đồng bào làm giàu theo mình mà còn hỗ trợ những gia đình khó khăn. Trong năm qua, Y Nam cho 5 hộ trong thôn vay 74 triệu đồng không lấy lãi; giúp 31 tấn cây giống cho 13 hộ; tạo việc làm cho 5 đến 10 lao động trong thôn với mức lương từ 3,6 triệu đồng đến 4 triệu đồng/tháng/người.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên, nhận xét: Từ một nông dân chỉ học hết lớp 9, Y Nam đã vươn lên làm giàu từ cây mía. Khi kinh tế gia đình ổn định, Y Nam đã hướng dẫn cho đồng bào mình ở thôn Nguyên Xuân lấy cây mía mà đi lên. Đồng thời còn giúp về vốn, cây giống để bà con có điều kiện phát triển sản xuất. Không chỉ trước đây mà tới bây giờ thôn Nguyên Xuân vẫn là thôn đặc biệt khó khăn. Hàng năm có nguồn vốn từ Chương trình 134-135 đầu tư, nhưng bà con trong thôn vẫn nghèo vì không biết sản xuất như thế nào. Trong điều kiện như vậy, sự vươn lên của những cá nhân như Y Nam sẽ giúp đồng bào Chăm HRoi ở xã học theo mà thoát nghèo bền vững.
MINH DUYÊN