Huyện Sông Hinh có diện tích tự nhiên khoảng 88.664ha. Trong đó, đất lâm nghiệp chiếm trên 40.129ha, gồm 24.189ha đất rừng phòng hộ và 15.940ha đất rừng sản xuất. Hiện địa phương này đề ra nhiều giải pháp bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên quý giá này.
Theo kết quả điều tra năm 2013 của Bộ NN-PTNT, huyện Sông Hinh có khoảng 3,9 tỉ m3 gỗ rừng tự nhiên các loại và hơn 140.000 ster gỗ củi rừng trồng của các tổ chức, cá nhân; ước tổng giá trị trên 39.396 tỉ đồng. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ, nên hàng năm giá trị rừng ở địa phương này tăng thêm khoảng 604 tỉ đồng. Hiện UBND tỉnh giao khoảng 20.000ha rừng phòng hộ ở huyện Sông Hinh cho ban quản lý rừng phòng hộ địa phương quản lý, diện tích còn lại do Tỉnh đội Phú Yên và UBND xã Sông Hinh quản lý. Do diện tích rừng lớn trong khi con người thiếu, công cụ hỗ trợ hạn chế, diện tích rừng giáp ranh với các huyện của tỉnh Đắk Lắk nhiều (khoảng 24km), nên các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Sông Hinh gặp khó khăn trong công tác tuần tra, phát hiện hành vi khai thác gỗ trái phép…
Ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên cho biết: Để bảo vệ và khai thác tốt hơn 15.940ha đất rừng sản xuất và hơn 24.000ha rừng tự nhiên hiện có, các ngành có liên quan và huyện Sông Hinh cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp mang tính bền vững. Cụ thể, ban quản lý rừng phòng hộ cần củng cố, tăng cường nhân lực (hiện nay một người phải quản lý 1.000ha rừng) và trang thiết bị, công cụ hỗ trợ. Sở NN-PTNT có chính sách cho khai thác những cây đã già, đến tuổi để đủ kinh phí tái tạo lại rừng và tăng thu nhập cho ngân sách. Địa phương và các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng vận động nhân dân các vùng giáp ranh cùng bảo vệ với chính sách cụ thể; đồng thời chỉ đạo tốt công tác phối hợp bảo vệ rừng giữa các huyện giáp ranh của tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk để cùng có trách nhiệm bảo vệ chung. Huyện Sông Hinh đưa các hộ dân “di cư tự do” ra khỏi khu vực rừng phòng hộ và thành lập Hạt Kiểm lâm thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh. Cán bộ các ban quản lý rừng phòng hộ trong tỉnh phải thường xuyên luân chuyển về các địa bàn để công tác quản lý được khách quan và hiệu quả.
Theo ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, đối với diện tích đất để trồng rừng, địa phương và các ngành liên quan sẽ quản lý chặt chẽ đất lâm nghiệp đã được quy hoạch để triển khai trồng rừng đúng mục đích; có biện pháp đủ mạnh đối với các tổ chức và cá nhân sử dụng đất rừng sai mục đích. Cơ quan chức năng nên giao cho doanh nghiệp hoặc cá nhân đấu thầu đất để giữ rừng theo quy định của Nhà nước; đồng thời đa dạng hóa việc trồng rừng bằng các loại gỗ quý bản địa hoặc chuyển sang trồng cây cao su, mắc ca… vừa mang lại kinh tế cao, vừa bảo vệ được môi trường. Thực tế hiện nay, các biện pháp xử lý của Nhà nước đối với hộ dân vi phạm còn quá nhẹ, chưa mang tính răn đe. Vì vậy, địa phương sẽ kiên quyết thu hồi đất của tổ chức hoặc cá nhân sử dụng kém hiệu quả để trồng rừng. Huyện Sông Hinh cũng sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng giáp ranh với rừng để nâng cao đời sống. “Để triển khai đồng bộ các giải pháp trên, trước hết, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường tuyên truyền thuyết phục nhân dân và có chính sách phát triển kinh tế sát với tình hình thực tế tại địa phương qua việc phát triển mạnh cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, tiêu, mắc ca… Cán bộ, nhân dân ở huyện Sông Hinh cũng cần đầu tư thâm canh cây công nghiệp ngắn ngày như mía, sắn gắn với công nghiệp chế biến và đẩy mạnh khai thác đất lâm nghiệp để trồng rừng”, ông Định nói.
PHƯƠNG MINH