Thứ Ba, 26/11/2024 09:39 SA
Đưa người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo thành một điều trong Hiến pháp
Thứ Tư, 27/03/2013 09:00 SA

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tuy có khẳng định nhưng chưa thể hiện rõ chế định của người bào chữa cho bị can, bị cáo, quyền bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự chưa đưa thành một điều luật cụ thể và chỉ nằm rải rác tại tại các điều, khoản:

 

- Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Khoản 3, Điều 32, quy định: “Người bị bắt, bị tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa”.

 

- Chương VIII TAND, Viện KSND tại Khoản 7, Điều 108, quy định: “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm. Bị can, bị cáo có thể tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; đương sự có thể tự mình, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ lợi ích hợp pháp”.

 

Theo tôi, nên nhập 2 khoản trên lại thành một điều luật riêng nằm trong Chương II vì quyền bào chữa, bảo vệ là vấn đề nhân quyền mà các thế lực thù địch đang ra sức chống phá Nhà nước ta nhưng chưa được dự thảo chú trọng và tại Khoản 7, Điều 108 của dự thảo đưa vào trong chương của TAND và Viện KSND là chưa phù hợp với nội dung điều chỉnh của điều luật. Nên cần thiết phải có một điều luật riêng về người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.

 

Dự thảo đưa vấn đề trợ giúp pháp lývào Hiến pháp, đây là điểm mới so với các Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992. Điều này khẳng định quyền của con người được quan tâm đáng kể, tạo điều kiện để những đối tượng được hưởng dịch vụ từ trợ giúp pháp lý rất nhiều, thể hiện được chính sách nhân văn của Nhà nước XHCN.

 

Tuy nhiên, dự thảo quy định như vậy chưa đầy đủ. Theo tôi, cần thêm vào cụm từ “hoặc người đại diện hợp pháp của họ” vào Khoản 3, Điều 32, sửa lại như sau: “Người bị bắt, bị tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa”.

 

Thêm vào và sửa lại Khoản 7, Điều 108 như sau: “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm. Bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ có thể tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ lợi ích hợp pháp”.

 

Phải đưa người đại diện hợp pháp của họ vào trong các điều luật này, vì:

 

- Trong thực tiễn các đối tượng trợ giúp pháp lý hiện nay chủ yếu phần lớn là người chưa thành niên, người già, người dân tộc thiểu số, người nghèo… Những đối tượng này thường ít am hiểu pháp luật nên khi bị bắt, tạm giữ, tạm giam thì không biết gì về quyền được hưởng trợ giúp pháp lý đối với mình, nhất là giai đoạn tạm giam để khởi tốvụ án. Khi họ bị bắt thì gia đình bên ngoài mới đi tìm hiểu hoặc thông qua người khác giới thiệu và đến trung tâm trợ giúp pháp lý để yêu cầu luật sư bào chữa thì đã quá chậm thường vụ án ở giai đoạn xong kết luận điều tra, truy tố hoặc chuẩn bị đưa ra xét xử.

 

- Còn đối với trường hợp bị can, bị cáo đã thành niên bị tạm giam thì người đại diện hợp pháp của họ là vợ chồng, cha mẹ, anh, em… vẫn có quyền nhờ luật sư bào chữa, theo quy định tại Khoản 1 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự: “người bào chữa do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn”.

 

Nhưng thực tế Nghị quyết 03/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao lại hướng dẫn trường hợp người đại diện mời luật sư thì phải “hỏi” bị can xem có đồng ý hay không? Vì vậy, thực tiễn hiện nay các luật sư đang bị làm khó vì không gặp được bị can, nhất là các vụ án phức tạp có dấu hiệu oan sai. Vì bị can thường từ chối luật sư một cách rất khó hiểu mà gia đình thì cũng không có cách nào để gặp được bị can đang tạm giam để giải thích cho họ biết quyền lợi chính đáng của mình. Nên buộc phải chờ kết luận vụ án xong thì mọi việc đã rồi nên dù ra tòa bị can có phản cung thì “án tại hồ sơ” nên tòa khó chấp nhận. Điều này trái lại với diễn biến tâm lý tội phạm khi họ bị tội thì rất cần một sự che chở bảo vệ từ phía luật sư để giải bày những ẩn khuất nhưng pháp luật hiện nay đang hạn chế quyền này với bị can, bị cáo.

 

Vì vậy, theo tôi, những người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo có quyền mời luật sư để bào chữa và bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Cơ quan tiến hành tốtụng phải cấp giấy chứng nhận bào chữa mà không cần phải có ý kiến của bị can, bị cáo đang tạm giam để tránh những trường hợp làm khó luật sư trong thời gian qua và đảm bảo quyền lợi của bị can, bị cáo. Cho nên, đưa người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, đương sự thành một điều riêng trong Dự thảo Hiến pháp 1992 là cần thiết nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của công dân.

 

Luật sư NGUYỄN HƯƠNG QUÊ

(Văn phòng Luật sư Phúc Luật, TP Tuy Hòa)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek