Tình trạng lạm dụng rượu bia (đồ uống có cồn) trước khi tham gia giao thông là khá phổ biến, mặc dù pháp luật đã cấm hoàn toàn đối với người điều khiển ô tô và chỉ cho phép một lượng rất nhỏ đối với người điều khiển xe máy.
Ảnh minh họa: Internet
Thực hiện thí điểm kiểm tra vi phạm nồng độ cồn trên một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở 5 tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam và Ninh Bình nhằm đánh giá thực chất về mức độ vi phạm để đưa ra giải pháp nhằm hạn chế vi phạm kéo giảm tai nạn giao thông. Qua phân tích đối tượng vi phạm thì lái xe chuyên nghiệp chiếm 32,5%, công chức viên chức chiếm 20,8%, ngành nghề khác chiếm 46,7%; độ tuổi 18-45 chiếm 78,5%, dưới 18 tuổi chiếm 1,85% và trên 45 tuổi chiếm 19,65%; người vi phạm điều khiển xe con là đối tượng vi phạm nhiều nhất với 36,8%, xe tải 19,4%, xe khách 2,3%, mô tô - xe gắn máy 41%.
Vi phạm nhiều nhất được phát hiện trên quốc lộ với 36,1%, đường đô thị 27%, huyện lộ 14,7%, tỉnh lộ 14%, đường liên xã chiếm 8,2%. Kết quả trên cho thấy, trên các tuyến đường trọng điểm như quốc lộ, đường đô thị phát hiện vi phạm nhiều nhất cũng là địa bàn nóng về tai nạn giao thông nhưng đáng báo động là đội ngũ lái xe chuyên nghiệp, đáng lẽ phải nghiêm túc chấp hành nhất thì lại là đối tượng bị phát hiện nhiều nhất với kết quả sử dụng nhiều nhất.
Do đặc thù của từng địa phương, lực lượng Cảnh sát giao thông đã lên phương án kiểm tra và trang bị đầy đủ máy móc thiết bị, phương tiện kỹ thuật vừa bố trí công khai kết hợp với hóa trang và phối hợp với Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động tiến hành tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa điểm và thời gian xảy ra nhiều vi phạm về nồng độ cồn như nhà hàng, quán bia, quán cóc, điểm dừng chân ở các bến xe trong các giờ ăn trưa, ăn tối... Thói quen sử dụng đồ uống có cồn đã phổ biến, đặc biệt trong Tết Nguyên đán, lễ hội, ngay cả trong sinh hoạt bình thường và những hệ lụy của nó là tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển phương tiện có sử dụng đồ uống có cồn trong dịp này cũng tăng cao. Để ngăn chặn cũng như kiểm soát chặt chẽ vi phạm này, cần thiết có một đợt cao điểm xử lý vi phạm trên diện rộng, tuyên chiến với thói quen sinh hoạt có hại này, tập trung tại các địa bàn trọng điểm. Có như vậy mới thay đổi được thói quen của người dân để họ lựa chọn cho mình phương thức đi lại an toàn cho bản thân và xã hội.
Theo Bộ GTVT