Thứ Sáu, 04/10/2024 14:37 CH
Phòng chống tội phạm mua bán người:
Yêu cầu bức thiết
Thứ Bảy, 15/12/2012 14:00 CH

Mặc dù nhiều kẻ đã phải ngồi tù, bị xử lý về hành vi vô nhân tính: mua bán người (MBN), nhưng loại tội phạm này vẫn đang ở mức báo động, có xu hướng quốc tế hóa và ngày càng xuất hiện nhiều chiêu thức mới, rất tinh vi.

TTPLuat121215.jpg

Tuyên truyền pháp luật nói chung và phòng chống mua bán người nói riêng luôn được các cấp hội phụ nữ quan tâm thường xuyên - Ảnh: T.VĂN

NHIỀU CHIÊU LỪA TINH VI

Theo báo cáo của công an các địa phương và Bộ đội Biên phòng, mới đây, qua 2 tháng triển khai đợt cao điểm phòng chống tội phạm MBN qua biên giới năm 2012, lực lượng chức năng đã khám phá 131 vụ/218 đối tượng, giải cứu 115 nạn nhân; đã khởi tố điều tra 51 vụ với 89 bị can; đề nghị truy tố 34 vụ với 54 bị can; bắt 11 đối tượng có lệnh truy nã, đồng thời ra quyết định truy nã 8 đối tượng liên quan đến MBN.

Thủ đoạn phổ biến mà bọn tội phạm thường sử dụng là lợi dụng những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, éo le về tình cảm… để hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, kết hôn giả, đưa đi lao động ở nước ngoài, du lịch, thăm thân nhân, buôn bán qua lại biên giới hoặc thông qua mạng Internet để làm quen với học sinh, sinh viên sau đó lừa bán ra nước ngoài. Đáng chú ý, ở Hà Giang đã xảy ra tình trạng lợi dụng địa bàn miền núi vắng vẻ, một số đối tượng người Việt cấu kết với người nước ngoài tổ chức thành từng toán đột nhập nhà dân, giết người thân, chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em…

Ngoài ra, lợi dụng sơ hở trong quy định của pháp luật về cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, đã xuất hiện tình trạng thu mua trẻ sơ sinh của những phụ nữ có hoàn cảnh bất hạnh, rồi móc nối với các trung tâm núp dưới sự trợ giúp pháp lý nhân đạo, lập hồ sơ trẻ em bị bỏ rơi để hợp pháp hóa rồi tìm cách chuyển ra nước ngoài nhưng thực chất để bán.

Trong các vụ MBN, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, nhất là các cô gái trẻ. Nhưng tại một số địa phương đã xuất hiện nạn buôn bán đàn ông, bán cho các chủ lò gạch, khai thác quặng tại Trung Quốc; buôn bán nội tạng cho các bệnh viện tư tại Trung Quốc.

Mặc dù nhiều kẻ phạm tội đã bị ngồi tù, xử lý về hành vi MBN nhưng loại tội phạm này vẫn đang ở mức báo động và ngày càng xuất hiện nhiều chiêu thức mới, rất tinh vi. Đơn cử: Giàng Seo Vu trú tại xã Phong Hải, huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) đã sang tận Hà Giang, giả vờ yêu rồi dẫn người nhà đến hỏi cưới cô gái trẻ ở huyện Xín Mận. Khi gia đình nhà gái đã yên tâm về chàng rể quý thì gã này dẫn vợ sắp cưới sang Trung Quốc bán. Còn Phàn Vần Xà (trú xã Thắng Mố, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) thì cùng đồng bọn lừa bán các cô gái trẻ sang các động mại dâm bên Trung Quốc, sau đó dụ các cô trốn ra, rồi giả làm “người hùng cứu mỹ nhân”, bán tiếp các cô vào sâu bên trong nội địa. Đào Văn Dương (trú xã Nhật Tựu, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) lại có chiêu lừa khác. Hắn đóng giả một trùm buôn quần áo, đến các quán bar, cà phê, vờ “vung tiền” để mua chuộc tình cảm của những sinh viên nghèo phải đi phục vụ ngoài giờ học tại các quán. Khi đã chiếm được tình cảm của các cô gái, gã lừa bán các cô sang Trung Quốc.

Mới đây, tại Nam Định, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh đã triệt phá một đường dây MBN mà đối tượng là những thanh niên lứa tuổi 9X. Những thanh niên này đã câu kết với một tú bà có quán cà phê trá hình bên Trung Quốc. Chúng lên mạng chát, làm quen với các cô gái trẻ, giả vờ kết nghĩa anh em, bao cho các cô gái ăn uống, thậm chí dụ các cô “đập đá”. Từ đó, các cô phụ thuộc dần, bị chúng rủ sang Trung Quốc buôn hàng “ma túy đá” rồi lừa bán cho tú bà này.

“PHÒNG BỆNH HƠN CHỮA BỆNH”

Phú Yên không là “điểm nóng” về tình trạng MBN, số vụ, số đối tượng phát hiện, điều tra, xử lý không nhiều. Tuy nhiên, trước tình hình tội phạm MBN, đặc biệt là mua bán phụ nữ diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng và quốc tế hóa, với chức năng của mình, trong những năm gần đây, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, kiến thức kỹ năng về phòng chống MBN nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động trong cán bộ, hội viên, phụ nữ về vấn nạn này; giúp chị em chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, kiềm chế, không để tội phạm này phát sinh trên địa bàn. Mặt khác, với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, việc tăng cường công tác đấu tranh, việc nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống MBN là yêu cầu bức thiết.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ, công tác phòng chống tội phạm MBN, bên cạnh việc xử lý mạnh tay với các đối tượng phạm tội, các địa phương và các cấp, các ngành trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và chủ động tham gia phòng chống loại tội phạm này; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động phòng, chống tội phạm MBN giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, lực lượng công an làm nòng cốt trong tham mưu, xung kích trong đấu tranh, triệt phá các đường dây tội phạm, truy tố kịp thời nghiêm minh trước pháp luật, nhất là đối tượng cầm đầu đường dây MBN. Công tác tuyên truyền về phòng chống tình trạng MBN, về Luật Phòng chống MBN cần đa dạng hóa bằng nhiều hình thức sinh động và hấp dẫn để chuyển tải thông tin rộng rãi trong các cấp ủy đảng, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời tăng cường kỹ năng truyền thông phòng chống MBN cho cán bộ các hội, đoàn thể ở cơ sở...

 

VĂN LANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek