Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Trợ giúp pháp lý cho biết hiện nay cả nước có 8.535 cộng tác viên (CTV) trợ giúp pháp lý, ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) với đủ các lĩnh vực pháp luật của hoạt động trợ giúp pháp lý; trong đó có trên 1.000 CTV là luật sư.
Mặc dù số CTV không nhỏ, nhưng theo đánh giá chung thì hoạt động của lực lượng này chưa thực sự mang lại hiệu quả, đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Cụ thể, chất lượng vụ việc do CTV thực hiện chưa tương xứng với lực lượng CTV hiện có. Nhiều CTV từ khi gia nhập và được cấp thẻ không thực hiện được vụ việc trợ giúp pháp lý nào. Hiệu quả hoạt động có phần “khiêm tốn” đó do một số nguyên nhân cơ bản sau. Một là, CTV chưa thực sự tâm huyết cống hiến cho xã hội, chưa thực sự coi đó là trách nhiệm đối với xã hội, đối với Nhà nước và đối với người nghèo, nên phần lớn các CTV chưa tích cực thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý. Hai là, đại đa số CTV là công chức, viên chức nhà nước hoạt động kiêm nhiệm, không có nhiều thời gian cho công tác trợ giúp pháp lý. Ba là, thù lao bồi dưỡng cho các CTV khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý thấp, không đủ chi phí khi thực hiện vụ việc. Hơn nữa thủ tục thanh toán và lập hồ sơ vụ việc còn khá phức tạp, nhiều thủ tục, nên chưa khuyến khích được CTV tích cực thực hiện trợ giúp pháp lý. Bốn là, đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì lực lượng luật sư không phát triển, thậm chí có tỉnh còn chưa thành lập văn phòng luật sư. Với lực lượng luật sư rất hạn chế nên chỉ tập trung ở trung tâm tỉnh, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Chính vì vậy, lực lượng CTV là luật sư tại các tỉnh này rất hạn chế lại không tích cực thực hiện trợ giúp pháp lý do một số nguyên nhân nêu trên. Cuối cùng là, CTV phân bố không đồng đều, chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước ở cấp tỉnh, cấp huyện nên tập trung chủ yếu ở các trung tâm. Trong khi đó, CTV ở cấp xã (vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) còn hạn chế kiến thức pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ.
Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thường có kết cấu hạ tầng yếu kém; kinh tế, văn hóa, xã hội chậm phát triển; có nhiều người nghèo, người dân tộc thiểu số, dân trí thấp. Chính vì vậy, đối tượng được trợ giúp pháp lý là rất lớn - điều này tỉ lệ nghịch với điều kiện cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý và nguồn lực CTV chưa phát huy hết vai trò của mình.
Để tận dụng nguồn lực xã hội này tham gia trợ giúp pháp lý có hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp quan trọng. Đó là xây dựng thể chế ràng buộc trách nhiệm của CTV, của cơ quan nơi CTV công tác với xã hội, với Nhà nước và với người được trợ giúp pháp lý. Có chế độ thù lao hợp lý, đảm bảo khuyến khích được CTV tích cực tham gia trợ giúp pháp lý. Bổ sung lực lượng giáo viên và cán bộ Bộ đội Biên phòng làm CTV. Vì lực lượng này là đội ngũ trí thức lại công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, công tác trang bị kiến thức pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đội ngũ này thuận lợi và dễ dàng hơn đội ngũ CTV ở cấp xã hiện nay. Nên là người gần gũi với người dân vùng sâu vùng xa, am hiểu phong tục, tập quán của địa phương và được người dân tin tưởng, nhờ cậy. Có nguồn kinh phí thường xuyên để tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho CTV. Xây dựng chính sách ưu đãi nhằm động viên, khuyến khích như công tác thi đua - khen thưởng, tham quan học hỏi kinh nghiệm, trao kỷ niệm chương ... đối với những CTV tích cực tham gia và thực hiện trợ giúp pháp lý.
ĐỖ XUÂN TOÁN
(Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp)