Chỉ vì tranh chấp đất và một phút xốc nổi thiếu kiềm chế mà người cháu đã nhẫn tâm chém chết cô ruột rồi chém em họ gây thương tích khiến gia đình phải ly tán, còn bản thân phải trả giá đắt cho hành vi của mình…
Anh Đặng Hắc Lâm bị Gia chém trọng thương nằm điều trị ở bệnh viện - Ảnh: L.VĂN
CHÁU TRUY SÁT NGƯỜI THÂN!
8g ngày 20/9, không khí phòng xử án TAND tỉnh Phú Yên ngột ngạt, căng thẳng và nặng nề khi bị cáo, bị hại và nạn nhân cùng chung dòng họ phải dắt nhau hầu tòa. Trước vành móng ngựa, bị cáo Đặng Quốc Gia (sinh ngày 29/7/1994, trú thôn Ân Niên, xã Hòa An, Phú Hòa) kể lại đầu đuôi sự việc truy sát người.
Nhiều năm nay giữa cha của Đặng Quốc Gia là Đặng Quang Bình (SN 1957) và chú ruột là Đặng Thành Thương (SN 1966), cô ruột Đặng Thị Bẻn (SN 1963) ở liền kề tại thôn Ân Niên đã nảy sinh mâu thuẫn. Trong đó, có việc ông Bình làm chuồng heo lấn sang đất nhà bà Bẻn, phân heo gây ô nhiễm môi trường. Trưa 20/5, bà Bẻn yêu cầu ông Bình dỡ bỏ chuồng heo nhưng ông Bình không nghe. Sau đó, khi gia đình ông Bình đang ăn cơm chiều thì ông Thương và bà Bẻn đến trước cổng nhà ông Bình mắng chửi. Lúc ông Bình đi ra thì bị ông Thương, bà Bẻn và Đặng Hắc Lâm (SN 1994, con ruột ông Thương) xông vào đánh.
Bị đánh, ông Bình chạy vào nhà lấy một cái rựa bén chạy ra để đánh trả, nhưng Đặng Quốc Gia giật lấy cái rựa đem vào cất dưới gầm phản. Tuy nhiên, đến 20g cùng ngày, Đặng Quốc Gia lại nghe bà Bẻn mắng chửi xúc phạm cha mẹ mình nên vào nhà lấy rựa rồi băng qua hàng rào sang nhà bà Bẻn và chém chết người cô ruột. Chưa dừng lại, Gia cầm rựa chạy ra đường ĐH 21 tìm chém ông Thương thì phát hiện Đặng Hắc Lâm nên Gia đã dùng rựa chém anh Lâm, gây thương tích 14%. Sau đó, Đặng Quốc Gia bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên bắt giữ.
CÒN ĐÂU NGHĨA NẶNG, TÌNH THÂN
Tại phiên xử, bị cáo Gia đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình và xin tòa giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, gia đình người bị hại đề nghị tòa xử đúng người, đúng tội, không được giảm nhẹ hình phạt. Là người một nhà, bỗng chốc họ đứng ở hai “chiến tuyến”, tranh luận gay gắt khiến không khí phòng xử án trở nên ngột ngạt. Bào chữa cho bị cáo Gia, luật sư Nguyễn Hương Quê (Văn phòng Luật sư Phúc Luật) cho rằng: “Với những xích mích nhỏ trong cuộc sống, mỗi người đều lựa chọn cho mình một cách xử sự khác nhau. Bị cáo là người còn trẻ tuổi, quá xốc nổi, thiếu kiềm chế và nếu những người lớn trong gia đình bình tĩnh ứng xử, không châm thêm dầu vào lửa, có lẽ đã không xảy ra bi kịch đau lòng như ngày hôm nay”.
Được tòa cho bào chữa, Gia chỉ thẫn thờ lắc đầu chẳng nói được gì. Chỉ đến lúc tòa cho nói lời sau cùng trước khi nghị án, Gia mới quay sang phía những người thân, cất giọng lí nhí xin lỗi mọi người về hành động mất nhân tính của mình. Thế nhưng dường như những lời nói xuất phát từ đáy lòng của Gia không đủ xoa dịu được nỗi căm hận của những người thân.
Tòa cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo không những xâm phạm đến thân thể và tính mạng của người khác, trực tiếp vi phạm đạo đức, văn hóa gia đình của người Việt Nam mà còn gây mất an ninh, trật tự địa phương. Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ mà bị cáo bất chấp cả đạo lý và pháp lý, đã gây ra cái chết cho người cô ruột và còn gây thương tích cho người em họ của mình. Tuy nhiên, xét lúc bị cáo phạm tội chưa tròn 18 tuổi, hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Đặng Quốc Gia 18 năm tù về tội giết người. Về trách nhiệm dân sự, buộc cha mẹ bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường cho những người bị hại hơn 80 triệu đồng.
Nghe tòa tuyên án, bà Nguyễn Thị Loan Anh, mẹ bị cáo Gia như ngất lịm. Thân hình đã gầy guộc, nhỏ thó khắc khổ của bà nay lại càng héo úa hơn bởi con trai phải chịu vòng lao lý. Còn cha bị cáo Gia lại lặng im một cách cam chịu. Ông phải đối diện với hai mất mát quá lớn, mất mát tình thân và mất đi chỗ dựa lúc tuổi già sức yếu bởi con trai phải vào vòng tù tội.
Lúc Gia bị áp giải ra chiếc xe bít bùng đậu ngoài sân, cả ông Bình và bà Anh đều như bị đóng đinh, không thể nhấc chân lên nổi để tiễn con. Trong phòng xử án, ông Đặng Thành Thương và người con ruột của mình thì đứng quay lưng lại. Có lẽ họ cảm thấy chạnh lòng khi chứng kiến cảnh ly tán của gia đình người anh ruột và tình cảm anh em ruột thịt của ông gặp phải sóng gió cũng bởi tính ích kỷ của con người.
Trước khi người cha qua đời để lại 3 lô đất phân chia cho 3 người con là ông Bình, ông Thương và bà Bẻn. Còn người mẹ già sống chung cùng gia đình ông Bình, nhưng do bất hòa nên sau đó chuyển sang sống cùng bà Bẻn và mâu thuẫn phát sinh từ đó. Sự bất hòa vì đất đai của gia đình họ Đặng diễn ra dai dẳng từ nhiều năm qua. Dù được chính quyền địa phương hòa giải nhiều lần, mọi việc tưởng chừng trong ấm ngoài êm, thế nhưng, bi kịch xảy ra đã cướp đi mạng sống của bà Bẻn và khiến cho người con trai của ông Thương nhập viện với vết thương dài trên cổ. Tuyệt tình, tuyệt nghĩa và căng thẳng hơn cũng từ ngày Gia bị tạm giam về hành vi giết người, ông Bình đã cấm vợ con không được qua lại với nhà ông Thương. Đã thế, những lần chữa trị thương tật cho Đặng Hắc Lâm, ông Thương kê một danh sách dài những khoản tiền như: khám, công vợ chồng ông chăm sóc, xăng xe đi lại… buộc vợ chồng ông Bình phải thanh toán sòng phẳng.
VĂN TÀI