Thứ Hai, 30/09/2024 04:29 SA
Luật Bảo hiểm xã hội- những nội dung mới và những thay đổi so với điều lệ BHXH hiện hành
Thứ Năm, 21/12/2006 07:23 SA

Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9 (từ ngày 16/5 đến ngày 29/6/2006) đã thông qua Luật BHXH và đã được Chủ tịch nước công bố ban hành, theo đó Luật BHXH có hiệu lực từ 1/1/2007 đối với BHXH bắt buộc, từ 1/1/2008 đối với BHXH tự nguyện và từ 1/1/2009 đối với bảo hiểm thất nghiệp. Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên xin giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Luật BHXH so với Điều lệ BHXH hiện hành có một số nội dung mới đó là:

 

Thứ nhất: Quy định phạm vi điều chỉnh của Luật BHXH bao gồm:

 

- BHXH bắt buộc với 5 chế độ như hiện hành là chế độ ốm đau, chế độ thai sản, chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Ngoài đối tượng tham gia quy định như hiện nay có thêm đối tượng là hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn;

 

061221-thue.jpg

Hướng dẫn người lao động thực hiện các thủ tục để hưởng chế độ BHXH

 

- BHXH tự nguyện với 2 chế độ là chế độ hưu trí và chế độ tử tuất, được quy định tương tự như BHXH bắt buộc, có sự liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện và ngược lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động hưởng chế độ hưu trí khi vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện. Đối tượng của BHXH tự nguyện là tất cả công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động mà không đang tham gia BHXH bắt buộc.

 

- Bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề và hỗ trợ tìm việc làm. Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

 

Thứ hai: Xác định vai trò của Nhà nước đối với BHXH:

 

- Nhà nước ban hành văn bản quy phạm pháp luật về BHXH;

 

- Nhà nước thống nhất tổ chức thực hiện BHXH;

 

- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH;

 

- Nhà nước có chính sách ưu tiên đầu tư quỹ BHXH và các biện pháp để bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHXH;

 

- Lương hưu, trợ cấp BHXH và tiền lãi từ đầu tư từ quỹ BHXH được miễn thuế;

 

- Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, không bị phá sản.

 

Thứ ba: Quy định về quyền, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức BHXH để đảm bảo việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế đôï BHXH đối với người lao động.

 

Thứ tư: Quy định mức hưởng BHXH đối với người lao động căn cứ vào mức đóng BHXH (đối với BHXH bắt buộc đóng trên cơ sở tiền lương, tiền công mà người lao động và người sử dụng lao động đóng, đối với BHXH tự nguyện đóng trên cơ sở mức thu nhập do người lao động lựa chọn) và thời gian đóng BHXH. Tuy nhiên, có tính đến chia sẻ giữa những người tham gia BHXH.

 

Luật BHXH cũng có quy định người lao động vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế đôï tử tuất trên cơ sở tổng thời gian đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện.

 

Thứ năm: Quy định quỹ BHXH được hạch toán theo các quỹ thành phần: quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, quỹ hưu trí và tử tuất, quỹ BHXH tự  nguyện và quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

 

Để đảm bảo quỹ BHXH được an toàn và cân đối lâu dài, Luật BHXH quy định mức đóng cho quỹ ốm đau, thai sản và tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp từ người sử dụng lao động là 4% tổng quỹ lương đóng BHXH (hiện nay là 5%), trong đó quỹ ốm đau và thai sản là 3%, quỹ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp là 1%; quỹ hưu trí và tử tuất là 16% tổng quỹ lương đóng BHXH (hiện nay là 15%) và từ năm 2010 trở đi tăng dần mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất để đến 2014 là 22%, trong đó người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 14%. Đối với đối tượng là hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn thì người sử dụng lao động đóng trên mức lương tối thiểu chung bằng 16% vào quỹ hưu trí và tử tuất; từ năm 2010 trở đi cứ hai năm một lần đóng thêm 2%, cho đến khi đạt mức đóng là 22%.

 

Để trả kịp thời chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động, Luật BHXH quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động hàng tháng đóng 3% quỹ tiền lương, tiền công vào quỹ ốm đau và thai sản, trong đó người sử dụng lao động giữ lại 2% để trả cho người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau, thai sản và thực hiện quyết toán hàng quý với tổ chức BHXH.

 

Luật BHXH cũng quy định mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung.

 

Thứ sáu: Quy định các hành vi nghiêm cấm là: Không đóng BHXH theo quy định; gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện BHXH; sử dụng quỹ BHXH sai mục đích; gây phiền hà, trở ngại, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động; báo cáo sai sự thật, cung cấp thông tin, số liệu không đúng về BHXH.

 

Thứ bảy: Quy định các hành vi vi phạm pháp luật BHXH và xử lý các vi phạm:

 

- Quy định các hành vi vi phạm pháp luật BHXH:

 

+ Về đóng BHXH: Không đóng; đóng không đúng thời gian quy định; đóng không đúng mức quy định và đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH.

 

+ Về thủ tục thực hiện BHXH: Cố tình gây khó khăn hoặc cản trở việc hưởng các chế độ BHXH của người lao động, không cấp sổ BHXH hoặc không trả sổ BHXH cho người lao động theo quy định.

 

+ Về sử dụng tiền đóng và quỹ BHXH: sử dụng tiền đóng và quỹ BHXH không đúng quy định; báo cáo sai sự thật, cung cấp thông tin, số liệu không đúng về tiền đóng và quỹ BHXH.

 

+ Về lập hồ sơ để hưởng BHXH: gian lận; giả mạo hồ sơ, cấp giấy chứng nhận, giám định sai.

- Quy định xử lý vi phạm:

 

+ Cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm tùy theo tính chất mức độ vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định.

 

+ Cá nhân có vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định.

 

+ Người sử dụng lao động vi phạm về đóng BHXH từ 30 ngày trở lên ngoài việc phải đóng số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải đóng số tiền lãi của số tiền chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH trong năm. Nếu người sử dụng lao động không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi.

 

Thứ tám: Quy định về thủ tục thực hiện BHXH như sau: Sổ BHXH sẽ được dần thay thế bằng thẻ BHXH điện tử trong quá trình áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý BHXH; quy định cụ thể về hồ sơ tham gia, về hồ sơ và thời hạn cấp sổ BHXH, về hồ sơ, quy trình giải quyết và thời hạn giải quyết cụ thể đối với từng loại chế độ BHXH.

 

Thứ chín: Quy định về giải quyết khiếu nại BHXH: Luật BHXH đã quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại BHXH, theo đó việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về BHXH không thuộc quyết định hành chính, hành vi hành chính được thực hiện như sau:

 

- Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu về BHXH là người có quyết định, hành vi về BHXH bị khiếu nại.

 

Trong trường hợp người có quyết định, hành vi về BHXH bị khiếu nại không còn tồn tại thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện có thẩm quyền giải quyết;

 

- Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án hoặc khiếu nại tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh;

 

- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định của pháp luật;

 

Thứ mười: Quy định về thực hiện chuyển tiếp bao gồm:

 

- Các quy định về Luật BHXH được áp dụng đối với người đã tham gia BHXH từ trước ngày Luật có hiệu lực thi hành;

 

- Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp hàng tháng, tuất hàng tháng trước ngày Luật BHXH có hiệu lực thi hành thì vẫn thực hiện theo các quy định trước đây; trường hợp đối tượng này chết sau khi Luật BHXH có hiệu lực thì được áp dụng chế độ tử tuất quy định tại Luật BHXH.

 

Về các chế độ BHXH bắt buộc quy định của Luật BHXH có những thay đổi so với quy định hiện hành đó là:

 

Luật BHXH quy định BHXH bắt buộc gồm có 5 chế độ là: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất, không còn tách riêng nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe mà là nội dung chi trong các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp. So với quy định hiện hành, từng chế độ BHXH quy định trong Luật BHXH đều có những thay đổi, điều chỉnh theo hướng tăng mức hưởng cụ thể như sau:

 

1. Chế độ ốm đau:

 

 - Làm việc trong điều kiện bình thường: Trên 30 năm đóng BHXH được nghỉ tối đa 60 ngày (hiện nay là 50 ngày).

 

- Làm việc điều kiện nặng nhọc, độc hại: Trên 30 năm đóng BHXH được nghỉ tối đa 70 ngày (hiện nay là 60 ngày).

 

- Con dưới 7 tuổi bị ốm đau, trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH, nếu một người đã hết thời hạn hưởng chế độ mà con vẫn ốm đau thì người kia được hưởng chế độ theo quy định (hiện nay không có);

 

- Không khống chế số lượng con dưới 7 tuổi bị ốm đau, phải nghỉ việc để chăm sóc (hiện nay chỉ hưởng trợ cấp đối với con thứ nhất, thứ 2);

 

- Mức hưởng chế độ ốm đau dài ngày, quy định nếu số tiền hưởng theo tỷ lệ quy định thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì tính bằng mức lương tối thiểu chung (hiện nay không có).

 

- Về điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được thực hiện khi người lao động sau thời gian hưởng chế độ ốm đau theo quy định tối đa trong năm mà sức khỏe còn yếu (hiện nay không có quy định này).

 

2. Chế độ thai sản:

 

- Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần (hiện nay là 3 lần);

 

- Sau khi sinh, con bị chết: nếu con dưới 60 ngày tuổi thì mẹ được nghỉ việc 90 ngày tính từ ngày sinh con (hiện nay là 75 ngày); nếu từ 60 ngày trở lên thì mẹ được nghỉ 30 ngày (hiện nay là 15 ngày).

 

- Người có chồng tham gia BHXH, người vợ không tham gia BHXH hoặc người vợ tham gia BHXH, người chồng không tham gia BHXH hoặc cả hai người đều tham gia BHXH nếu sau khi sinh con người mẹ chết, thì người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản đến khi con đủ 4 tháng tuổi.

 

- Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi được trợ cấp một lần bằng 2 tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con (hiện nay quy định được trợ cấp một lần bằng 1 tháng tiền lương đóng BHXH).

 

- Bỏ đối tượng lao động nữ làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại khi sinh con được nghỉ việc 6 tháng (vì theo quy định tại điều 113 Bộ luật Lao động quy định không được sử dụng lao động nữ làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại có ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng sinh đẻ và nuôi con).

 

- Quy định người lao động nữ sinh con và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi phải đóng BHXH đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi nghỉ sinh con hoặc nhận nuôi con; mức hưởng chế độ thai sản bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ thai sản; quy định mức tối đa tiền lương, tiền công đóng BHXH bằng 20 tháng lương tối thiểu chung.

 

3. Về trợ cấp nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe:

 

Mức hưởng tăng so với hiện nay (hiện nay mức hưởng tính theo mức tuyệt đối là 50.000 đồng/ngày nghỉ tại nhà và 80.000 đồng/ngày nghỉ tập trung); quy định của Luật tính theo mức lương tối thiểu chung (mức bằng 0,25 lương tối thiểu chung, tương ứng với 87.500 đồng/ngày nếu nghỉ tại nhà, mức bằng 0,4 tương ứng với 140.000 đông/ngày nếu nghỉ tập trung.

 

4. Chế độ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp:

 

- Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp một lần, hàng tháng hiện nay được tính toàn bộ theo lương tối thiểu chung tương ứng với từng khoảng mức suy giảm khả năng lao động (10% cho mỗi khoảng).

 

061221-bieu-do.jpg

Biểu đồ phát triển của BHXH Phú Yên

 

Luật BHXH quy định mức hưởng trợ cấp một lần hoặc hàng tháng chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp với từng tỷ lệ suy giảm khả năng lao động được tính theo lương tối thiểu chung. Ngoài ra, còn được hưởng thêm tính theo số năm đã đóng BHXH và tiền lương, tiền công đóng BHXH tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

 

- Quy định mức trợ cấp chết do tai nạn lao động ngoài hưởng theo chế độ tử tuất còn được trợ cấp bằng 36 tháng lương tối thiểu chung (hiện nay là 24 tháng).

 

- Trợ cấp phục vụ: Tỷ lệ thương tật 81% trở lên trong một số trường hợp (liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần) thì được hưởng trợ cấp phục vụ hàng tháng bằng mức lương tối thiểu chung (hiện nay bằng 0,8 mức lương tối thiểu chung).

 

5. Chế độ tử tuất:

 

- Quy định trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương tối thiểu chung (hiện nay bằng 8 tháng).

 

- Quy định mức trợ cấp tuất một lần:

 

+ Đối với người đang tham gia BHXH, bảo lưu thời gian đóng BHXH mà chết tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH (hiện nay quy định cứ mỗi năm tính bằng 0,5 tháng và khống chế tối đa bằng 12 tháng);

 

+ Đối với người hưởng lương hưu chết, quy định nếu chết trong hai tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; nếu chết vào những tháng sau đó thì cứ hưởng thêm một tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng (hiện nay chết ở năm thứ nhất được hưởng 12 tháng lương hưu, sau đó từ năm thứ 2 trở đi cứ thêm 1 năm hưởng trừ đi 1 tháng, tối thiểu mức hưởng là 3 tháng). Như vậy, đối với người có ít thời gian đã hưởng lương hưu mà bị chết thì mức trợ cấp một lần tăng nhiều so với hiện nay.

 

- Quy định mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 0,5 mức lương tối thiểu chung (hiện nay bằng 0,4 mức lương tối thiểu chung);

 

- Quy định số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng không quá 4 người, một thân nhân có từ 2 người chết trở lên thì được hưởng 2 lần mức trợ cấp hàng tháng (hiện nay không có quy định này).

 

- Quy định thân nhân là bố, mẹ, vợ hoặc chồng chưa đủ 55 đối với nữ, 60 đối với nam, không có thu nhập hoặc thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu chung và con trên 15 tuổi hoặc trên 18 tuổi mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được hưởng trợ cấp tuất tháng (hiện nay không có).

 

- Quy định trợ cấp tuất hàng tháng đối với thân nhân người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp hàng tháng chết với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên chết (hiện nay mức suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên).

 

6. Chế độ hưu trí:

 

- Quy định đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng chế độ hưu trí khi đủ điều kiện về tuổi đời (hiện nay đủ 15 năm trở lên).

 

- Mức hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu: Quy định mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH kể từ năm thứ 31 trở đi đối với nam và năm thứ 26 trở đi đối với nữ. Cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH (hiện nay cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng, nhưng khống chế tối đa bằng 5 tháng lương bình quân).

 

- Quy định mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH (hiện nay cứ mỗi năm tính bằng 1 tháng).

 

- Quy định tiền lương, tiền công đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH đối với người lao động thuộc đối tượng không thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước  quy định được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ, hiện nay không có quy định được điều chỉnh.

 

- Quy định điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế.

 

- Quy định tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung, do vậy mức lương hưu cũng được khống chế tương tự.

 

- Không quy định thu BHXH đối với phụ cấp khu vực.

 

- Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp BHXH một lần đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định theo thời điểm tham gia BHXH:

 

+ Trước ngày 1/1/1995 bình quân 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

 

+ Từ 1/1/1995 đến 31/12/2000 bình quân 6 năm cuối;

 

+ Từ 1/1/2001 đến 31/12/2006 bình quân 8 năm cuối;

 

+ Từ 1/1/2007 trở đi bình quân 10 năm cuối.

 

Nhìn chung, nội dung của Luật BHXH đã thể hiện được đầy đủ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong lĩnh vực BHXH, đó là việc thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng trong các văn kiện; xây dựng trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện các quy định trong pháp luật BHXH hiện hành; đảm bảo được tính thống nhất của hệ thống pháp luật BHXH; quỹ BHXH được quản lý thống nhất, dân chủ, công khai, được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần và các chế độ BHXH được xây dựng theo nguyên tắc mức hưởng trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH, cơ bản đảm bảo được quyền lợi của người tham gia BHXH và khắc phục những hạn chế, bất cập của chính sách BHXH hiện hành.

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek