Thứ Tư, 27/11/2024 22:44 CH
Để xét xử lưu động đạt hiệu quả cao
Thứ Bảy, 21/07/2012 18:00 CH

Tuy pháp luật tố tụng hình sự, dân sự, hành chính không quy định về việc xét xử lưu động nhưng do hiệu quả của việc phổ biến tuyên truyền pháp luật nên ngành TAND đã tăng cường các phiên tòa lưu động, xem đây là một trong những tiêu chí để bình xét thi đua hàng năm.

 

luu-dong120721.jpg

Phiên tòa xét xử lưu động vụ án giết người ở xã Xuân Phương (TX Sông Cầu) - Ảnh: V.TÀI

Nói xét xử lưu động là loại hình tuyên truyền hiệu quả bởi nó tổng hợp các hình thức tuyên truyền qua hình ảnh trực tiếp (sự uy nghiêm của quang cảnh phiên tòa, các bước của trình tự thủ tục tố tụng…), tuyên truyền qua lời nói trực tiếp (việc xét hỏi của người tiến hành tố tụng, trình bày của người tham gia tố tụng, tranh luận của công tố viên và luật sư để tìm ra sự thật khách quan của vụ án…), tuyên truyền qua các văn bản tố tụng (công bố cáo trạng của Viện KSND, công bố các chứng cứ có tại hồ sơ và đỉnh cao là lập luận sắc bén, phán quyết nghiêm minh, thấu tình đạt lý của bản án được tuyên). Do vậy, có thể nói xét xử lưu động là hình thức tuyên truyền đi từ trực quan sinh động theo con đường logic biện chứng của sự nhận thức, là hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục pháp luật của TAND.

Các phiên tòa xét xử lưu động đều là án hình sự, thuộc nhóm tội xâm phạm nhân thân như giết người, cố ý gây thương tích; xâm phạm sở hữu tài sản như cướp, cướp giật tài sản; xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng như tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, tội chứa mại dâm…, là những vụ án gây bức xúc trong nhân dân, được dư luận xã hội quan tâm. Số lượng người đến dự các phiên tòa rất đông, công tác chuẩn bị chu đáo, việc xét xử theo đúng trình tự thủ tục tố tụng quy định, đảm bảo tính nghiêm minh, đúng người đúng tội đúng pháp luật, không có trường hợp nào mâu thuẫn cơ bản về quan điểm xử lý của các cơ quan tố tụng. Vì vậy, các phiên tòa xét xử lưu động góp phần nâng cao tính giáo dục, phòng ngừa chung, phục vụ tốt nhiệm vụ ổn định trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Các phiên tòa xét xử lưu động đã trực tiếp chuyển tải các quy định của pháp luật đến với người dân, đồng thời có tác dụng cảnh báo, răn đe giáo dục chung đối với mọi người. Giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử là hình thức giáo dục đặc thù, bằng thái độ khách quan, nghiêm túc của kiểm sát viên, thẩm phán trong quá trình xét hỏi hay trong việc đảm bảo quyền bình đẳng của các bên trong tranh luận để tìm ra sự thật của vụ án cũng như đảm bảo đầy đủ, đúng yêu cầu các nguyên tắc của quá trình xét xử, làm cho những người tham gia tố tụng và đông đảo người dân tham dự phiên tòa có thái độ đúng đắn với những hành vi vi phạm pháp luật, giáo dục họ ý thức tuân thủ các quy phạm pháp luật. Đó cũng là môi trường thực tiễn để những người tiến hành tố tụng thực thi nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật theo chức năng nhiệm vụ của mình, đồng thời tôi rèn và rút kinh nghiệm trong việc thực hiện kỹ năng chuyên môn. Bởi sự đánh giá của đông đảo những người tham dự phiên tòa bao giờ cũng tác động mạnh hơn trong môi trường xét xử tại trụ sở TAND ít người tham dự.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực cũng cần phải xem xét đến tính “tuyên truyền ngược” của các phiên tòa lưu động. Tính cộng đồng của nhân dân ta rất cao, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn. Trước hành vi phạm tội có tính chất tàn ác, cộng đồng chẳng những lên án hành vi đó mà còn làm cho bị cáo mặc cảm, khó hòa nhập cộng đồng. Có khi gia đình, bạn bè, làng xóm, họ tộc của bị cáo cũng bị vạ lây, làm cho mâu thuẫn của gia đình bị cáo với bị hại, làng của bị cáo với xóm của bị hại, dòng họ của bị cáo với dòng họ của bị hại… càng thêm trầm trọng.

Để phát huy tính tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của phiên tòa xét xử lưu động, ngoài việc chuẩn bị chu đáo cho việc mở một phiên tòa nói chung, cần xây dựng tốt mối quan hệ phối hợp giữa hai ngành KSND và TAND, giữa thẩm phán và kiểm sát viên trực tiếp tham gia phiên tòa xét xử lưu động để cùng đồng tâm, nhất trí vì mục tiêu chung là tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm; xây dựng kế hoạch cụ thể, đưa ra thảo luận các vấn đề về tính tích cực khi tổ chức phiên tòa lưu động, thời gian, địa điểm, hình thức tổ chức, nếu thấy cần thiết có thể tổ chức họp liên ngành để bàn bạc thống nhất quan điểm, dự kiến các tình huống phát sinh tại phiên tòa, nhất là phương án bảo vệ.

Thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động chuẩn bị xét xử, Viện KSND đề nghị TAND chuẩn bị những nội dung cần thiết hoặc trao đổi từ chối việc phân công kiểm sát viên tham dự phiên tòa lưu động nếu nhận thấy mục tiêu tuyên truyền, giáo dục không đạt hiệu quả hoặc không phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng làm việc với chính quyền địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc nắm dư luận xã hội ở địa phương nơi xảy ra vụ án, thông báo nhân dân đến dự phiên tòa, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương trước, trong và sau phiên tòa; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin nhằm nhân rộng hiệu quả công tác tuyên truyền.

LÊ TRUNG HƯNG

(Viện KSND tỉnh Phú Yên)

 

Theo thống kê liên ngành Công an-KSND-TAND, năm 2009, TAND hai cấp đã phối hợp với các cơ quan tố tụng mở 42 phiên tòa xét xử lưu động, năm 2010 là 56, năm 2011 là 78 và 6 tháng đầu năm 2012 là 41 phiên tòa xét xử lưu động.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek