Là dân “ngoại đạo” của ngành Tư pháp, song “duyên nợ” đã đưa ông đến với “nghề” hội thẩm nhân dân (HTND), gắn bó với TAND tỉnh Phú Yên gần tám năm. Ông đã góp phần không nhỏ vào công tác xét xử và cùng vun đắp chuẩn mực của ngành TAND là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Ông là thầy giáo Huỳnh Trung Kiên, giáo viên Giáo dục công dân, Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa).
Hội thẩm nhân dân ngồi bìa trái tham gia hội đồng xét xử - Ảnh: V.TÀI
Gần tám năm gắn bó với “nghề” HTND, nhiều năm liền thầy giáo Huỳnh Trung Kiên được TAND tỉnh tặng giấy khen. Đặc biệt, năm 2010, ông vinh dự được Chánh án TAND tối cao tặng bằng khen. Tháng 2/2012, ông lại được Chánh án TAND tối cao tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2004-2011.
Đối với thầy giáo Huỳnh Trung Kiên, mối “lương duyên” đưa ông đến với công tác HTND khá tình cờ. Năm 2004, TAND tỉnh Phú Yên tìm người để làm công tác HTND và ông được mọi người tín nhiệm. Từ đó đến nay, ông tiếp tục được bầu vào đoàn HTND TAND tỉnh Phú Yên. Không phải là dân chuyên về pháp luật, những ngày mới vào “nghề” HTND, thầy Kiên cũng không khỏi bỡ ngỡ và có phần lo lắng! Tuy nhiên sau khi tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ công tác do ngành Tòa án tổ chức, ông dần làm quen và tiếp cận công việc ngày một bài bản, khoa học hơn.
Thầy giáo Kiên bộc bạch: “Tiêu chí quan trọng hàng đầu của người HTND là phải có năng lực và trình độ hiểu biết pháp lý nhất định. Tòa án là cơ quan “cầm cân nẩy mực”, chỉ một sơ suất nhỏ hay một lỗi áp dụng sai pháp luật cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, thậm chí là tính mạng, tương lai của mỗi cá nhân.
Do đó, người hội thẩm ngoài sựtừng trải, am hiểu nhiều lĩnh vực đời sống xã hội cũng cần tích lũy cho mình vốn kiến thức pháp lý nhất định để cùng với các thành viên trong hội đồng xét xử đưa ra những phán quyết công minh, chính xác, đúng người đúng tội, không làm oan người vô tội cũng như không để lọt tội phạm. Vì vậy, để làm tốt công tác xét xử, điều quan trọng nhất là người HTND phải đọc kỹ hồ sơ vụ án. Song song đó là khi đưa ra xét xử, phải dựa vào diễn biến cụ thể của vụ án, vận dụng kiến thức pháp luật, cùng với kinh nghiệm sống để nhận định kỹ nội dung vụ án, để có bước đánh giá đương sựcũng như nội dung vụ việc một cách chính xác và công tâm”.
Theo TAND tỉnh, trung bình mỗi năm, thầy Kiên tham gia xét xử khoảng 12 vụ án. Ông cũng là một trong những HTND cấp tỉnh tham gia xử những vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm như các vụ án: Lã Thị Kim Oanh, Bạch Đằng, kè Đà Nông…
Khi được hỏi ngồi xử các vụ án hình sự hay dân sự có tính chất nghiêm trọng, ông có bị “run tay” không, thầy Kiên trả lời: “Hội đồng xét xử nào chẳng muốn bản án của mình được dư luận xã hội đồng tình nhưng không vì thế mà bị dư luận xã hội chi phối, tác động. HTND cũng như thẩm phán phải có sự khách quan, lòng bao dung với bị cáo, có như thế bản án mới đảm bảo công bằng, khách quan vừa có lý vừa có tình và khi ngồi xửmới không bị ảnh hưởng”.
Thầy giáo Kiên quan niệm người HTND cũng như thẩm phán được luật pháp trao thẩm quyền quyết định sinh mạng chính trị, hạnh phúc con người nên trách nhiệm rất nặng nề. Dù đã nhiều năm tham gia xử án, nhưng đối với ông, không vụ án nào giống vụ án nào. Vụ trước là bài học kinh nghiệm cho vụ sau. Chính vì vậy, ông luôn tỉ mẩn ghi chép lại các vụ án, để hạn chế đến mức thấp nhất tỉ lệ sai sót trong xét xử. Đây cũng chính là giáo án sinh động để ông giáo dục học sinh của mình. Bởi qua các vụ án, những vi phạm về đạo đức, chuẩn mực xã hội và quy định pháp luật được biểu hiện rất sinh động và cụ thể.
Ông cho biết dù đã tham gia xét xử nhiều án hình sự, nhưng điều khiến ông đau lòng nhất khi nhận những vụ án mà gia đình bị cáo cũng là gia đình người bị hại, bị cáo là vị thành niên và học sinh, sinh viên. Thầy Kiên chia sẻ: “Làm HTND phải có cái đầu tỉnh táo với những chi tiết vụ án, nhưng quan trọng hơn là phải có trái tim nhạy cảm trước số phận của mỗi con người. Ý nghĩa thật sựcủa bản án là ở việc cải tạo, giáo dục người lầm lỗi để giúp họhướng thiện, làm lại cuộc đời.” Mặc dù, bận rộn với công tác giảng dạy ở trường và đôi lúc vẫn có những áp lực tâm lý nhất định, song điều thầy Kiên tâm đắc nhất là khi được cộng tác với TAND tỉnh và được làm việc với những người công minh chính trực, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, không để bị tác động chi phối từ bên ngoài. Chính điều này đã giúp ông tiếp cận nội tình vụ án nhanh chóng chính xác và có những quyết định phù hợp khi tham gia xét xử. Ông cho biết, nếu được tín nhiệm ông sẵn sàng tiếp tục tham gia công tác HTND, góp phần cùng cơ quan tư pháp địa phương thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.
VĂN TÀI