Tình trạng sử dụng chất nổ trái phép đánh bắt hải sản trên các vùng biển Phú Yên diễn biến ngày càng phức tạp. Song với sự hỗ trợ tích cực của nhân dân, lực lượng Bộ đội biên phòng Phú Yên đã tiến hành đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này.
Lực lượng Bộ đội biên phòng và dân quân tự vệ địa phương tuần tra bảo vệ bờ biển - Ảnh: TRUNG HẬU
Để có chất nổ đánh bắt hải sản trái phép, các đối tượng đã tìm cách móc nối, hình thành nhiều đường dây mua bán, vận chuyển mang tính chuyên nghiệp. Những năm trước đây, trên địa bàn Phú Yên đã hình thành một số đường dây với nhiều đối tượng tham gia mua bán, cung cấp hàng tấn thuốc nổ. Các đường dây này được tổ chức chặt chẽ, kín đáo, luôn tìm cách tạo vỏ bọc nên rất khó phát hiện, như đường dây do L.T.H.Đ (phường 1, TP Tuy Hòa) cầm đầu, hoạt động từ Gia Lai, Kon Tum đến Ninh Thuận, Bình Thuận; đường dây do Đ.M.T (Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) cung cấp chất nổ cho nhiều đối tượng ở vùng biển Tuy An, Sông Cầu…
Song song với hoạt động mua bán là việc sử dụng chất nổ để đánh bắt cá trên biển. Theo thống kê của Bộ đội biên phòng (BĐBP) Phú Yên, từ năm 2000 trở về trước, mỗi năm có đến hàng trăm vụ dùng chất nổ đánh bắt hải sản trên biển bị phát hiện. Ban đêm các đối tượng thường sử dụng xuồng, sõng, thúng chai bơi đến những bãi rạng bị địa hình che khuất để đánh bắt cá bằng phương pháp hủy diệt. Khi bị phát hiện, họ lập tức tìm cách phi tang, tẩu thoát. Nguy hiểm và ngoan cố hơn cả là những đối tượng ở các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định… thường tổ chức thành từng nhóm khoảng 10 chiếc thuyền có gắn động cơ, xâm nhập và dùng chất nổ đánh bắt cá ở những vùng biển giáp ranh. Khi gặp lực lượng tuần tra kiểm soát thì chống trả quyết liệt, như vụ xảy ra ở Hòn Khô (Hòa Hiệp
Trước thực trạng trên, thông qua công tác nắm tình hình, BĐBP Phú Yên đã xây dựng nhiều chuyên án đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng mua bán, vận chuyển, sử dụng chất nổ trái phép. Đặc biệt, đã tổ chức đấu tranh làm rõ đường dây mua bán, vận chuyển một khối lượng lớn thuốc nổ từ Tuy Hòa đi Tuy An, bắt giữ và khởi tố 7 bị can, triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển chất nổ từ Gia Lai, Kon Tum về Phú Yên và từ Phú Yên đi các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận… Bên cạnh đó, BĐBP đã bắt giữ hàng chục phương tiện và đối tượng đánh bắt hải sản trái phép trên biển, khởi tố 3 vụ với 10 đối tượng, xử lý hành chính gần 30 vụ với trên 100 đối tượng.
Trong điều kiện thiếu phương tiện hoạt động, lực lượng trinh sát còn thiếu so với biên chế, địa hình phức tạp…, song với sự giúp đỡ đặc biệt của quần chúng nhân dân, nhất là trong việc cung cấp thông tin và tạo điều kiện về phương tiện, lực lượng BĐBP Phú Yên đã đấu tranh có hiệu quả với hoạt động mua bán, vận chuyển, sử dụng chất nổ đánh bắt, khai thác hải sản trái phép trên biển. Những năm gần đây, số vụ sử dụng chất nổ hoặc chất hóa học để khai thác, đánh bắt hải sản trái phép đã giảm hẳn. Đặc biệt, trong các năm 2005 và 2006 chỉ xảy ra một vài vụ nhỏ lẻ.
Theo đại tá Nguyễn Trúc Thơm, Chỉ huy trưởng BĐBP Phú Yên, tình hình mua bán, vận chuyển, sử dụng chất nổ để đánh bắt, khai thác hải sản trên biển vẫn còn diễn biến phức tạp. Do có nhiều công trình với quy mô lớn được xây dựng trên địa bàn tỉnh (có sử dụng chất nổ) nên tình trạng thất thoát chất nổ sẽ khó tránh khỏi. Có thể hình thành những đường dây mua bán, vận chuyển chất nổ trái phép với mức độ tinh vi, phức tạp hơn. Mặt khác, tình trạng khai thác chất nổ từ bom mìn, đạn pháo còn sót lại sau chiến tranh vẫn còn diễn ra. Do đời sống còn khó khăn, một số hôï ngư dân rất dễ tiếp tay cho các đối tượng xấu. Để hạn chế thấp nhất tình trạng sử dụng chất nổ đánh bắt, khai thác hải sản trên biển, bảo vệ các loài hải sản không bị tuyệt chủng, bảo vệ môi trường trên biển, cần có sự phối hợp của các cấp, các ngành. Cùng với tăng cường hơn nữa công tác giáo dục pháp luật, nâng cao dân trí cho ngư dân, một biện pháp không kém phần quan trọng là đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng biển, làm cho đời sống của bà con ngày một khấm khá, không còn hộ đói, hộ nghèo.
LẠC VIỆT