Năm 2011, Phú Yên là một trong những tỉnh, thành của cả nước có số vụ tai nạn giao thông (TNGT) tăng cao, bị Thủ tướng Chính phủ phê bình. Làm thế nào để giảm thiểu TNGT trong năm 2012, nhất là trong tháng hoạt động cao điểm (tháng 1/2012) của Năm An toàn giao thông (ATGT) là vấn đề được đặt ra…
Năm 2012 được Chính phủ chọn làm Năm ATGT và tháng 1/2012 là tháng hoạt động cao điểm. Theo dự báo tình hình trật tự ATGT, trật tự đô thị sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, bởi đây là thời gian cao điểm diễn ra các hoạt động phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, nhu cầu đi lại của người dân, hoạt động vận tải hàng hóa tăng cao.
Các lực lượng bảo vệ TTATGT tỉnh Phú Yên ra quân thực hiện Năm An toàn giao thông - Ảnh: V.LANG
TUYÊN TRUYỀN ĐI ĐÔI VỚI XỬ PHẠT NGHIÊM
Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh, TP Tuy Hòa sẽ là nơi tập trung đông người và phương tiện nên tình hình trật tự ATGT, trật tự đô thị phức tạp hơn nhiều địa phương khác. Riêng năm 2011, mặc dù đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, nhờ đó TNGT tiếp tục giảm về số vụ và số người chết nhưng cũng có đến 29 người chết, 29 người bị thương nặng trong 28 vụ TNGT xảy ra trên địa bàn thành phố. Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Đào Tấn Hoàng cho biết, để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi và an toàn cho mọi người; phấn đấu giảm TNGT và ùn tắc giao thông so với năm 2011, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cộng đồng về ý nghĩa, mục tiêu, chủ đề của Năm ATGT 2012, TP Tuy Hòa sẽ triển khai các nhiệm
vụ đột phá, các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT. Trong đó, tập trung tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tiếp tục mở các đợt cao điểm đảm bảo trật tự ATGT, trật tự đô thị, kiên quyết xử lý nghiêm các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT.
Theo đó, các lực lượng Cảnh sát giao thông, Trật tự công cộng, Quản lý đô thị… tăng cường tổ chức kiểm tra giải quyết những tụ điểm phức tạp, nhất là ở các trục đường chính trong nội thành. Ban ATGT các phường, xã đẩy mạnh thực hiện việc lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt nhằm đảm bảo ATGT. Đội Quản lý đường sắt Tuy Hòa có kế hoạch phối hợp với các ngành, các phường, xã dọc tuyến đường sắt tăng cường công tác tuyên truyền vận động, kiểm tra thực hiện tốt công tác giải tỏa, chống lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt; vận động nhân dân tự giác tháo dỡ các công trình xây dựng, che chắn làm nhà ở, lều quán trái phép; có kế hoạch duy trì thường xuyên chống tái lấn chiếm và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cấp ủy, chính quyền phường, xã có kế hoạch cụ thể, xác định trách nhiệm rõ ràng cho từng lực lượng, ban ngành, đoàn thể, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các đoàn thể ở cơ sở tham gia tích cực vào công tác đảm bảo trật tự ATGT, trật tự đô thị; tập trung vận động, giáo dục đến từng hộ gia đình, đoàn viên, hội viên các đoàn thể, học sinh, sinh viên ký cam kết thực hiện các quy định về trật tự ATGT, trật tự đô thị… tạo sự chuyển biến ngay từ cơ sở. Phòng Quản lý đô thị, Công ty TNHH một thành viên Phát triển nhà và công trình đô thị thường xuyên tiến hành khảo sát, duy tu, bảo quản, sửa chữa các tuyến đường bị hư hỏng, có biện pháp đảm bảo ATGT tại các công trình đang thi công; rà soát, sơn sửa mới hệ thống cọc tiêu, biển báo, phát quang cây xanh che khuất tầm nhìn lái xe, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông dễ nhận biết và chấp hành tốt.
QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI LÃNH ĐẠO, CÁN BỘ NHÀ NƯỚC
Giám đốc Sở GTVT Phú Yên Nguyễn Thành Trí chia sẻ: “TNGT là vấn đề bức xúc trong toàn xã hội. Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm trật tự ATGT và đạt được những kết quả nhất định, nhưng TNGT vẫn diễn biến phức tạp, cướp đi nhiều sinh mạng và làm bị thương nhiều người, tổn thất này trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình và xã hội”.
Giám đốc Sở GTVT cho biết thêm, ngành GTVT tỉnh quán triệt và xác định rõ việc tổ chức triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Đó là: Nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước; quy định trách nhiệm cá nhân đối với lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người thi hành công vụ, nhiệm vụ về công tác đảm bảo trật tự ATGT; phải coi việc giảm TNGT là trách nhiệm của mỗi cán bộ công nhân, viên chức, người lao động. Cùng với chú trọng tuyên truyền giáo dục văn hóa giao thông, quy tắc giao thông, tác hại của việc sử dụng rượu bia đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, quy định về đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, mặc áo phao khi đi phương tiện thủy… ngành GTVT còn nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện, kiên quyết xử lý kỷ luật đối với cán bộ đăng kiểm viên có biểu hiện tiêu cực. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị, cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; cương quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở vi phạm. Chú trọng đầu tư, nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông. Tăng cường công tác kiểm tra các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải khách trong việc tuân thủ các quy định về hoạt động vận tải, ATGT trong hoạt động vận tải; kiên quyết đình chỉ hoạt động vận tải đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Tổ chức gác cảnh giới an toàn tại các vị trí đường ngang giao nhau với đường sắt không có gác chắn có nguy cơ cao về TNGT.
Năm 2011 trên địa bàn tỉnh xảy ra 135 vụ TNGT, làm chết 144 người, bị thương 79 người, thiệt hại tài sản hơn 850 triệu đồng (so với năm 2010 tăng 20 vụ, 19 người chết; 14 người bị thương). Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 132 vụ, làm chết 141 người, bị thương 79 người (so cùng kỳ năm 2010 tăng 19 vụ, tăng 18 người chết), tăng 15 người bị thương); TNGT đường sắt xảy ra ba vụ làm ba người chết (tăng một vụ, một người chết). Một số địa phương có số vụ TNGT cao là TX Sông Cầu (27 vụ, 30 người chết, 16 người bị thương); huyện Ðông Hòa (20 vụ, 23 người chết, 10 người bị thương).
VĂN LANG