Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có một số trường hợp huy động vốn vay của người dân hứa trả lãi suất cao, hoặc một số người lợi dụng mối quan hệ quen biết để mượn tiền nhưng không có khả năng thanh toán dẫn đến tình trạng vỡ nợ, gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT.
Lê Kim Nữ, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng tín dụng bị Công an huyện Tuy An khởi tố - Ảnh: N.Khang
Theo thông báo của Bộ Công an, thời gian gần đây, tình hình lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo tín dụng trong nhân dân bằng thủ đoạn huy động vốn vay số lượng lớn, vay với lãi suất cao nhưng không có khả năng thanh toán dẫn đến vỡ nợ, vỡ hụi, xiết nợ, đòi nợ thuê trái pháp luật diễn ra nghiêm trọng ở nhiều địa phương, gây phức tạp đến tình hình ANTT. Trên địa bàn tỉnh, thời gian qua cũng đã xảy ra trường hợp, một số đối tượng hoạt động lừa đảo tín dụng. Như vụ Lê Kim Nữ (SN 1983, trú thôn Bình Thạnh, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An) giả danh cán bộ ngân hàng, đã lân la làm quen, sau đó vay vốn của nhiều người với số tiền hơn 420 triệu đồng và 5 chỉ vàng, hứa sẽ trả lãi suất cao (có trường hợp đến 300%) nhưng sau đó không có khả năng thanh toán phải bỏ trốn.
Không chỉ ở Tuy An, tình trạng một số người vay mượn nhưng không có khả năng trả nợ trên địa bàn huyện Đông Hòa cũng diễn ra khá phức tạp. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Hòa đang tiếp nhận khá nhiều đơn thư khiếu nại giải quyết vấn đề chiếm đoạt tài sản. Thượng tá Phạm Bảy, Phó trưởng Công an huyện Đông Hòa cho biết: Quá trình điều tra cho thấy, các vụ việc khiếu nại trên hầu hết thuộc lĩnh vực dân sự, các hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo không nhiều. Tuy nhiên, vấn đề vay mượn, nợ nần dẫn đến việc chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, xiết nợ, ẩu đả, thậm chí lừa đảo để lấy lại được tài sản đã cho vay mượn đang có xu hướng diễn biến phức tạp. Thường trong việc vay, mượn này, các bên chủ yếu dựa trên mối quan hệ thân quen nên không tiến hành làm hợp đồng mà chỉ có giấy nhận nợ nhưng không thể hiện số lãi suất vay là bao nhiêu. Khi đã vay, mượn được tiền, đối tượng vay thường trích trả lãi theo phần trăm đã thỏa thuận ngay tại chỗ nên một số người cả tin, hám lợi cứ tiếp tục cho vay, mượn để hưởng lãi suất. Lâu dần, số tiền tăng lớn, đối tượng vay, mượn mất khả năng chi trả và bỏ trốn. Người cho vay, mượn không đòi được tiền nên bức xúc dẫn đến việc xiết nợ để lấy lại tiền. Một vụ đòi nợ xảy ra vào ngày 7/11 vừa qua ở xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) là ví dụ. Quá trình điều tra xác định, năm 2009, bà Trần Thị C (SN 1965, trú thôn Phú Thọ 1, xã Hòa Hiệp Trung) thỏa thuận cho chị Nguyễn Thị K (SN 1984, trú thôn Phước Mỹ, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) thuê mặt bằng nhà mình với giá 9 triệu đồng. Chị K đã đặt cọc số tiền trên. Do giữa bà C và chị K có mối quan hệ họ hàng nên chị K còn giới thiệu cho bà C mua nợ gỗ của anh Hà Ngô V (SN 1987, ở thôn Phước Lộc 2, xã Hòa Thành) với số tiền 2 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó, bà C không cho chị K thuê mặt bằng nữa nhưng không trả lại số tiền 9 triệu đồng đã đặt cọc cho chị K và số tiền 2 triệu đồng mua gỗ của anh V. Khoảng 18g ngày 7/11, anh V rủ thêm 4 người khác đến nhà bà C để đòi nợ. Bà C nói không có tiền và bảo anh V “muốn lấy thứ gì thì lấy”. Nghe vậy, anh V đã dắt chiếc mô tô 78H4-3597 của nhà bà C mang đi gửi ở nhà người quen, chờ hôm sau nhờ lực lượng công an xã Hòa Hiệp Trung giải quyết. Nhận được tin báo của Công an xã Hòa Hiệp Trung, Công an huyện Đông Hòa đã thu giữ chiếc xe trên trả lại cho bà C, đồng thời ra quyết định xử phạt hành chính Hà Ngô V và 4 người đến đòi nợ về hành vi chiếm giữ tài sản trái phép. Mặt khác, Công an huyện Đông Hòa cũng đã đề nghị anh V và chị K làm đơn khởi kiện ra tòa án dân sự để đòi lại số tiền mà bà C đang nợ.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động của loại tội phạm này, Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, nhất là lực lượng Cảnh sát kinh tế, An ninh kinh tế tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động có kế hoạch phòng ngừa các vấn đề phức tạp phát sinh. Lực lượng Cảnh sát ĐTTPVTTXH phối hợp với công an các địa phương nắm tình hình của loại tội phạm hình sự liên quan đến hoạt động siết nợ, đòi nợ thuê. Lực lượng chức năng cũng sẽ điều tra làm rõ và xử lý nghiêm đối với các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; phòng ngừa không để xảy ra tình trạng đòi nợ, xiết nợ trái pháp luật. Bên cạnh các biện pháp của cơ quan công an, người dân cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác đối với loại tội phạm trên, nhất là đối với các đối tượng huy động vốn hứa trả lãi suất cao. Khi cho vay, mượn, người dân cần cẩn trọng, thực hiện hợp đồng theo quy định của pháp luật. Nếu phát hiện dấu hiệu của loại tội phạm này, người dân cần kịp thời tố giác, báo tin cho cơ quan công an.
HOA SIÊM