Từ đầu năm đến nay, ngành TAND tỉnh đã thụ lý 740 án hình sự và đã giải quyết được 731 vụ, với 1.363 bị cáo. So với năm 2010, tăng 72 vụ (tăng 10.8%) song chất lượng xử án cũng còn nhiều tồn tại. Một số vụ án vi phạm tố tụng trong xét xử sơ thẩm, gây khó khăn cho việc thi hành án và làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo…
Một phiên tòa xét xử lưu động ở huyện Tây Hòa - Ảnh: V.TÀI
NHIỀU VI PHẠM TỐ TỤNG!
Ngày 8/7, TAND huyện Đông Hòa đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án cố ý gây thương tích bằng hung khí nguy hiểm xảy ra lúc 22g ngày 22/3 tại thôn Phước Lộc 1 (xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa). Kết thúc phiên xử, TAND huyện Đông Hòa tuyên án treo đối với các bị cáo Cao Văn Hóa, Huỳnh Ngọc Như và Võ Sĩ Đạo (SN 1993). Tuy nhiên, trong bản án sơ thẩm, hội đồng xét xử đã không tuyên giao các bị cáo cho chính quyền địa phương nơi các bị cáo thường trú là UBND xã Hòa Thành để giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách là vi phạm khoản 2 (Điều 60 Bộ luật Hình sự), ảnh hưởng đến công tác giáo dục, quản lý các bị cáo trong quá trình thực thi bản án.
Một dạng vi phạm tố tụng khác là ấn định thời gian thử thách không đúng pháp luật. Cụ thể, trong vụ Nguyễn Minh Tuấn Nhã, Phùng Thị Lạc phạm tội đánh bạc, ngày 12/5, TAND huyện Sơn Hòa xử phạt các bị cáo này mỗi người sáu tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng (bằng ba lần mức hình phạt tù), làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo. Ngược lại, trong vụ Nguyễn Đức Hoàng trộm cắp tài sản, ngày 18/5/2011, TAND huyện Đông Hòa xử phạt bị cáo Hoàng 9 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo và chỉ ấn định thời gian thử thách một năm, trong khi bị cáo không thuộc trường hợp đặc biệt để ấn định thời gian thử thách ngắn hơn... Việc ấn định thời gian thử thách đối với các bị cáo vừa nêu là trái quy định theo Nghị quyết số 1 ngày 2/7/2007 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao: “Khi cho người bị xử phạt tù hưởng án treo, trong mọi trường hợp tòa án phải ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm và phân biệt người bị xử phạt tù không bị tạm giam thì thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù…”.
Không chỉ vi phạm trong tuyên phạt án treo, ấn định thời gian thử thách không đúng, TAND cấp sơ thẩm cũng không tuyên thời gian thử thách được tính từ khi nào. Điển hình, trong vụ Lý Bình Quân và đồng phạm trộm cắp tài sản, bản án sơ thẩm số 26/2011/HSST ngày 26/4/2011 của TAND TP Tuy Hòa xử phạt bị cáo Lý Bình Quân 9 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng về tội trộm cắp tài sản, nhưng không tuyên thời gian thử thách được tính từ khi nào là đã vi phạm quy định tại điểm a, Nghị quyết số 1 của TAND Tối cao.
VIỆN YÊU CẦU TÒA CHẤN CHỈNH VI PHẠM
Từ những sai sót trên, thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, mới đây, Viện KSND tỉnh đã có thông báo kiến nghị và yêu cầu Chánh án TAND tỉnh có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn TAND các huyện, thị xã, thành phố rút kinh nghiệm, khắc phục những vi phạm nêu trên để việc xét xử các vụ án hình sự trong thời gian tới bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, Viện KSND tỉnh cũng đã thông báo rút kinh nghiệm tới Viện KSND các huyện, thị xã, thành phố để nghiên cứu, phối hợp với TAND cùng cấp làm tốt hơn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự, hạn chế, khắc phục những sai sót trong việc xét xử án hình sự sơ thẩm.
Theo lãnh đạo Viện KSND tỉnh, thời gian tới ngoài việc thực hiện đầy đủ quy định tại quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Viện KSND các cấp cần phải tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc việc gởi bản án, quyết định sơ thẩm, báo cáo kết quả xét xử sơ thẩm, kháng nghị phúc thẩm cho Viện KSND cấp phúc thẩm. Theo đó, khi gởi bản án, quyết định sơ thẩm cho Viện KSND cấp phúc thẩm phải có phiếu kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm. Phiếu kiểm sát do kiểm sát viên tham gia phiên tòa sơ thẩm lập, trong đó nêu rõ ý kiến đề xuất của kiểm sát viên; ý kiến của lãnh đạo, đơn vị. Trong 15 ngày kể từ ngày tuyên án, 19 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định, Viện KSND cấp sơ thẩm phải gởi bản án, quyết định sơ thẩm, phiếu kiểm sát cho Viện KSND cấp phúc thẩm. Đồng thời, phải khắc phục ngay việc gởi bản án, quyết định sơ thẩm quá chậm, gây khó khăn cho công tác kiểm sát kháng nghị phúc thẩm…Đây chính là nhiệm vụ và quyền hạn của Viện KSND, bảo đảm cho việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, cũng như bảo đảm việc xét xử của Tòa án đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời…
Viện KSND tỉnh cũng quy định, nếu sau phiên tòa sơ thẩm mà kiểm sát viên không phát hiện ra vi phạm của TAND, không báo cáo đề xuất kháng nghị phúc thẩm mà sau đó Viện KSND cấp phúc thẩm kháng nghị, được TAND cấp phúc thẩm chấp nhận, thì trách nhiệm trước hết thuộc về kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm.
VĂN TÀI