Mới đây, TAND tỉnh mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án cố ý gây thương tích đối với bị cáo Bùi Văn Yên (SN 1996, trú thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân). Kết thúc phiên xử, tòa đã phải hủy bản án do trong quá trình xét xử, bản án ở cấp sơ thẩm có nhiều sai sót và vi phạm Bộ luật Tố tụng hình sự, làm cho bị cáo và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan chịu nhiều thiệt thòi…
Quang cảnh phiên xử phúc thẩm vụ án Bùi Văn Yên cố ý gây thương tích - Ảnh: V.TÀI
NỘI DUNG VỤ VIỆC
Sáng 26/7/2010, Bùi Văn Yên cùng với Nguyễn Thành Vĩ, Đinh Phúc Lĩnh và một số người khác đến khu vực Bầu Tròn thuộc xã Xuân Long (huyện Đồng Xuân) câu cá. Do có việc riêng phải đi, Lĩnh gửi điện thoại di động nhờ Vĩ giữ hộ, nhưng Vĩ lại dùng điện thoại gọi cho người khác dẫn đến tài khoản trong điện thoại hết tiền. Do vậy, hai bên đã cãi vã và nảy sinh mâu thuẫn.
Trên đường về, nghĩ rằng do Yên nói với Lĩnh việc mình gọi điện thoại cho người khác nên khi đến khu vực gần cổng văn hóa thôn Long Hòa (xã Xuân Long), Vĩ to tiếng và đánh Yên. Cay cú vì bị đánh đau, Yên rút dao Thái Lan (đem theo để gọt trái cây) đâm một nhát vào bụng của Vĩ gây thương tích 70%.
Ngày 2/8/2011, TAND huyện Đồng Xuân mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, xử phạt Bùi Văn Yên 3 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc bà Nguyễn Thị Phước (mẹ bị cáo) phải bồi thường cho Vĩ hơn 36,6 triệu đồng. Do có kháng nghị của Viện KSND tỉnh nên ngày 23/9/2011, TAND tỉnh Phú Yên đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm.
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án và xét hỏi công khai tại tòa, cấp phúc thẩm TAND tỉnh nhận thấy cấp sơ thẩm đã truy tố, xét xử bị cáo Bùi Văn Yên về tội cố ý gây thương tích là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, do bản án ở cấp sơ thẩm đã áp dụng sai điều khoản, khiến bị cáo, bị hại chịu nhiều thiệt thòi nên hội đồng xét xử đã hủy bản án sơ thẩm và giao TAND huyện Đồng Xuân xét xử lại theo đúng quy định pháp luật.
Sau khi hủy án, qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong xét xử vụ án Bùi Văn Yên phạm tội cố ý gây thương tích, ngày 17/10/2011, Viện KSND tỉnh Phú Yên đã kiến nghị Chánh án TAND huyện Đồng Xuân có biện pháp chỉ đạo khắc phục những vi phạm trong quá trình xét xử vụ án này.
NGHỊ ÁN SAI, HỦY ÁN
Theo đó, Viện KSND tỉnh Phú Yên kiến nghị nhiều vấn đề cụ thể: Như khi nghị án, cấp sơ thẩm đã không thảo luận và biểu quyết về điều luật áp dụng đối với bị cáo, không biểu quyết về quyền kháng cáo của bị cáo, bị hại và những người tham gia tố tụng khác, nhưng bản án sơ thẩm của TAND huyện Đồng Xuân lại áp dụng khoản 3 Điều 104 và điểm b, đ, p khoản 1, 2 Điều 46, Điều 69, Điều 74 (Bộ luật Hình sự) xử phạt Bùi Văn Yên 3 năm tù về tội cố ý gây thương tích và quyết định về quyền kháng cáo của bị cáo là vi phạm nghiêm trọng quy định của Điều 222, Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo quy định tại Điều 222 thì chỉ có thẩm phán và hội thẩm nhân dân mới có quyền nghị án. Các thành viên của hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề một. Mặt khác, khi nghị án, hai hội thẩm nhân dân không được có ý kiến quyết định mà chỉ đề nghị là vi phạm nguyên tắc thẩm phán và hội thẩm nhân dân xét xử độc lập theo quy định tại Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Bên cạnh đó, trong hồ sơ vụ án, không có bản án gốc là vi phạm quy định Nghị quyết số 4/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Vì cùng với biên bản nghị án, bản án gốc phải được các thành viên hội đồng xét xử thông qua và ký tại phòng nghị án và được lưu vào hồ sơ vụ án. Đồng thời, bản án sơ thẩm phải căn cứ vào kết quả nghị án trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Thế nhưng, tại biên bản phiên tòa sơ thẩm đã không phản ánh đúng diễn biến và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
Hơn nữa, trong vụ án này, mẹ của bị hại là bà Nguyễn Thị Tuyết đã bỏ tiền chi phí điều trị cho con và tham gia thương lượng giải quyết bồi thường với gia đình bị cáo, nhưng cấp sơ thẩm không đưa bà Tuyết tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi liên quan là ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bà Tuyết. Ngoài ra, tại phiên tòa người bị hại yêu cầu bồi thường ngày công lao động của bị hại và người nuôi là 100.000 đồng/ngày, nhưng cấp sơ thẩm chấp nhận 80.000 đồng/ngày mà không nêu rõ lý do. Cùng với đó, bản án ở cấp sơ thẩm đã áp dụng sai điều khoản, bị cáo Yên là người chưa thành niên, nhưng không buộc vợ chồng ông Bùi Văn Hồng, bà Nguyễn Thị Phước (cha, mẹ bị cáo) phải bồi thường, mà chỉ buộc bà Phước bồi thường là không đúng, gây trở ngại cho việc thi hành án.
Ngoài sai sót ở bản án sơ thẩm, trong vụ án này bản án phúc thẩm số 138/2011/HSPT của TAND tỉnh Phú Yên cũng có “sạn”, khi quyết định trước mức hình phạt từ 3-4 năm tù đối với bị cáo Yên. Theo quy định khi đã hủy án và giao cho cấp sơ thẩm xét xử lại, cấp phúc thẩm không được quyết định trước mức hình phạt mà cấp sơ thẩm sẽ phải áp dụng đối với bị cáo Yên. Điều này đã vi phạm Bộ luật Tố tụng hình sự.
Từ những sai sót trên nên vụ án vẫn kéo dài, chưa giải quyết khiến gia đình bị cáo và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan chịu nhiều thiệt thòi. Do vậy, hiện dư luận đang chờ một bản án công tâm, đúng người, đúng tội ở phiên xét xử lại của TAND huyện Đồng Xuân trong thời gian tới.
LỆ VĂN