VKSND tỉnh Phú Yên vừa kháng nghị một phần bản án hình sự của TAND TX Sông Cầu, đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh Phú Yên xét xử theo thủ tục tái thẩm; hủy một bản án của TAND huyện Đông Hòa để xét xử lại sơ thẩm.
KHÁNG NGHỊ TÁI THẨM
Theo hồ sơ, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12/2010, Huỳnh Công Toại (SN 1988, trú huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) điều khiển mô tô gắn biển số giả 73N6-0327 chở Nguyễn Phương Duy (SN 1991, trú Hoài Ân, Bình Định) thực hiện nhiều vụ cướp giật tài sản trên địa bàn các huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi; huyện An Nhơn, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và TX Sông cầu, tỉnh Phú Yên. Sau đó, TAND TX Sông Cầu đã xử phạt Toại 4 năm tù, Duy 3 năm tù về tội cướp giật tài sản.
Bản án sơ thẩm tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước chiếc mô tô biển số giả mà các bị cáo Huỳnh Công Toại, Nguyễn Phương Duy sử dụng làm phương tiện phạm tội. Tuy nhiên, sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hoài Nhơn, Bình Định đã khởi tố vụ án hình sự về tội trộm cắp tài sản xảy ra tại Nhuận An, Hoài Hương, Hoài Nhơn. Qua điều tra, xác định Đặng Công Thành (SN 1992, trú xã Hoài Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) đã trộm chiếc mô tô biển số 77X2-1005 của ông Hồ Văn Thanh rồi bán cho Huỳnh Công Toại. Chiếc xe này đã được Toại và Duy gắn biển số giả rồi sử dụng làm phương tiện cướp giật tài sản. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TX Sông Cầu đã bàn giao chiếc xe này cho Chi cục Thi hành án TX Sông Cầu. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hoài Nhơn cũng đã xác định mô tô nói trên là vật chứng trong vụ án trộm cắp tài sản xảy ra ngày 28/9/2010 tại Hoài Nhơn, Bình Định. Đây là tình tiết mới làm thay đổi quyết định xử lý vật chứng mà quá trình xét xử, TAND TX Sông Cầu không biết được khi ra bản án.
Viện KSND Phú Yên đã kháng nghị bản án hình sự của TAND TX Sông Cầu, phần xử lý vật chứng tịch thu sung quỹ Nhà nước chiếc xe mô tô để điều tra, xét xử lại cho đúng quy định của pháp luật.
KHÁNG NGHỊ HỦY ÁN
Khoảng 21g ngày 22/3/2011, sau khi hát karaoke tại quán Thúy 79 ở xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, Cao Văn Hóa (SN 1991), Huỳnh Ngọc Như (SN 1992 ), Võ Sĩ Đạo (SN 1993) và Phạm Văn Tuyền chuẩn bị ra về thì thấy Nguyễn Văn Trung ngồi trên mô tô bóp thắng làm đèn xe nhấp nháy. Bạn của Trung bảo tắt đèn chứ không bữa nào đập xe, thì Tuyền cầm viên đá đến nói đưa đập dùm cho. Như đi đến đánh Trung thì được mọi người can ngăn. Sau đó, Hóa đến chùa Nghĩa Lâm lấy mã tấu rồi cùng Như, Đạo tìm đánh Trung. Lúc này, Trung điều khiển mô tô chở Nguyễn Thị Mỹ Dung đi đến, Hóa hô “Chặn xe nó lại”, Như chạy đến đạp xe làm Trung, Dung ngã xuống đường rồi cùng Đạo xông vào dùng chân đạp Trung nhiều cái. Hóa dùng mã tấu chém Trung, Dung đưa tay lên đỡ nên bị chém trúng cổ tay trái. Hóa tiếp tục chém Trung. Sau đó, Dung được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Hóa, Như, Đạo thấy Lương Ngọc Thi, Nguyễn Hữu Tín đi mô tô ngang qua nên nhờ chở về, đi được một đoạn gặp Trung điều khiển mô tô thì xe Trung ngã, Như và Đạo chạy đến đạp vào người Trung, Đạo lấy mũ bảo hiểm đánh vào đầu Trung làm Trung bất tỉnh, còn Hóa, Như, Đạo nhờ Thi và Tín chở đến chùa Nghĩa Lâm cất mã tấu rồi tất cả đi về. Hậu quả, Nguyễn Thị Mỹ Dung bị thương tích 10%, Nguyễn Văn Trung 6%.
Xét xử sơ thẩm, TAND huyện Đông Hòa đã tuyên phạt Hóa 1 năm 3 tháng tù cho hưởng án treo, Như 1 năm tù cho hưởng án treo, Đạo 9 tháng tù cho hưởng án treo. VKSND tỉnh cho rằng, bản án sơ thẩm đã có nhiều vi phạm, cụ thể: Các bị cáo Cao Văn Hóa, Huỳnh Ngọc Như, Võ Sĩ Đạo đều bị tuyên hình phạt tù cho hưởng án treo, nhưng bản án sơ thẩm lại không tuyên giao các bị cáo cho chính quyền địa phương nơi các bị cáo thường trú là UBND xã Hòa Thành, để giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách, là vi phạm khoản 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự, làm cho việc thi hành bản án không thể thực hiện được.
Bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Cao Văn Hóa 1 năm 3 tháng tù cho hưởng án treo, trừ thời gian bị cáo đã bị tạm giam 3 tháng 15 ngày nên còn phải chấp hành mức hình phạt 11 tháng 5 ngày; tuyên phạt bị cáo Huỳnh Ngọc Như 1 năm tù cho hưởng án treo, trừ thời gian bị cáo đã bị tạm giam 3 tháng 15 ngày nên còn phải chấp hành mức hình phạt 8 tháng 15 ngày, là trái với quy định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
Các bị cáo đều có 1 tiền sự về hành vi gây rối trật tự công cộng, nhưng bản án sơ thẩm vẫn cho các bị cáo hưởng án treo là trái với quy định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Bị cáo Võ Sĩ Đạo là người chưa thành niên, nhưng bản án sơ thẩm chỉ tuyên bị cáo, bị hại được quyền kháng cáo, mà không tuyên đại diện hợp pháp của bị cáo, luật sư bào chữa cho bị cáo được quyền kháng cáo bản án là vi phạm Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự.
VKSND tỉnh đã ban hành bản kháng, đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh Phú Yên xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy một bản án của TAND huyện Đông Hòa để xét xử lại sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.
VIỆT HÀ