Như Báo Phú Yên ra ngày 6 và 7/7 đã thông tin, phiên tòa xét xử vụ sập mỏ đá ở Hóc Trùm (xã Hòa Xuân Tây, huyện Ðông Hòa) vào sáng 6/1/2008 đã kết thúc với phán quyết 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo Lê Huệ (SN 1953, trú ở xã Hòa Xuân Tây). Ðằng sau bản án này là bài học cần rút ra trong việc quản lý của chính quyền các địa phương có mỏ đá đang hoạt động.
Bị cáo Lê Huệ (bìa trái) và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan nghe tòa tuyên án vào chiều ngày 7/7 - Ảnh: V.TÀI |
Tại các xã Hòa Xuân
Theo Luật Lao động, nếu chủ các mỏ khai thác đá không đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh lao động, chế độ lương bổng, bảo hiểm cho người lao động thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Nhưng thực tế, quyền lợi của những người thợ chẻ đá rất ít khi được các cơ quan chức năng bảo vệ đến cùng. Người làm nghề chẻ đá lại ít hiểu biết về pháp luật nên không thể đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Là người may mắn sống sót sau tai nạn kinh hoàng ở mỏ đá Hóc Trùm, ông Nguyễn Phương Bình kiến nghị: “Vì mưu sinh nên thợ chẻ đá chúng tôi bất chấp hiểm nguy để chẻ đá trang trải cuộc sống hằng ngày (!) Có một điều nghịch lý là chủ mỏ đá không mua bảo hiểm tai nạn, trang bị bảo hộ lao động cho chúng tôi. Họ bắt chúng tôi tự mua, tự trang bị mà không có sự ràng buộc nào. Khi tai nạn xảy ra, thợ đá chúng tôi lãnh đủ, còn chủ mỏ đá coi như vô can, trốn tránh trách nhiệm. Tôi mong các cơ quan chức năng sớm thành lập nghiệp đoàn cho thợ chẻ đá, thành lập tổ chức Công đoàn để bảo vệ quyền lợi cũng như các chế độ an sinh và phúc lợi khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho chúng tôi”.
Tại các điểm khai thác đá trên địa bàn huyện Đông Hòa nhiều năm nay, các chủ mỏ đá và đầu nậu thuê hàng trăm lao động để khai thác đá. Hầu hết lao động ở các mỏ đá là lao động phổ thông, được trả lương theo khối lượng công việc, không có chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Vì vậy, mỗi khi tai nạn xảy ra, người lao động luôn chịu thiệt thòi như vụ sập mỏ đá ở Hóc Trùm. Thế nhưng, ngoài trách nhiệm của ông Lê Huệ vừa bị lãnh án tù thì vai trò quản lý của UBND xã Hòa Xuân Tây, HTX Nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp Hòa Xuân Tây 2 lại không được đề cập và xử lý một cách cụ thể.
Chính quyền huyện Đông Hòa cần tăng cường công tác quản lý các mỏ khai thác đá trên địa bàn cũng như biện pháp thường xuyên, kiểm tra, giám sát các mỏ đá để tránh những tai nạn đáng tiếc khác có thể xảy ra. Thiệt hại về vật chất của các vụ tai nạn ở các mỏ đá có thể tính được, song mất mát về con người, những nỗi đau và khoảng trống mà những người thợ chẻ đá xấu số để lại thì không gì đo đếm, bù đắp được. Tương lai những đứa trẻ mồ côi, những phụ nữ góa chồng của những thợ đá xấu số không chỉ là mối bận tâm lớn của nhiều người, mà còn là của cả xã hội...
VĂN TÀI