Thứ Hai, 25/11/2024 21:41 CH
Chuyện nuôi dưỡng một cụ già và những điều xót xa
Thứ Bảy, 25/06/2011 10:00 SA

Một bên khẳng định mình đã nuôi nấng cụ già, mâu thuẫn nảy sinh chỉ là do những người hàng xóm “nhiều chuyện”, trong khi hàng xóm cho rằng cụ già 85 tuổi bị ngược đãi, nhà không có đèn, muốn ăn chút gì cũng không được, bởi những gì cụ gởi hàng xóm mua hoặc người ta mang đến biếu đều bị ném ra ngoài.

 

Cu-Day110625.jpg

Cụ Đay kể chuyện một cách khó nhọc với phóng viên. - Ảnh: H.ĐÔNG

NỖI KHỔ CỦA MỘT CỤ GIÀ VÀ RẮC RỐI CHUYỆN 3 CÂY VÀNG

 

Không có con cái, gốc gác lại ở tận ngoài Bắc nên sau khi chồng và chị ruột qua đời, cụ Nguyễn Thị Đay (SN 1926, trú khu phố 2, phường 2, TP Tuy Hòa) trở nên cô độc. Một thời gian sau, cụ về sống bên cạnh nhà ông Nguyễn Bình, con đỡ đầu của chồng cụ, trong một căn nhà nhỏ do ông Bình xây dựng ở khu phố 2. Những người hàng xóm của cụ Đay kể rằng, sau khi chuyển nhượng đất cho người khác, cụ đưa tiền cho ông Bình cất giữ, và ông này cam kết sẽ nuôi dưỡng cụ cho đến cuối đời. Ông Ngô Thanh Xuân, khu phố trưởng khu phố 2, cho biết: “Khoảng năm 2005, bà Đay bán đất, ông Bình là người giữ tiền và làm tờ cam kết nuôi dưỡng bà đến cuối đời”.

 

Còn theo lời ông Bình thì sau khi bán đất, không còn chỗ ở và không có ai nuôi dưỡng nên cụ Đay xin ở nhờ trên đất của ông. Ngôi nhà cụ Đay ở hiện giờ do ông Bình xây dựng vào năm 2005, trên đất của vợ chồng ông, chi phí cất nhà khoảng 11 triệu đồng. Ông Bình nói: “Tiền cất nhà là tiền của tôi. Tôi làm giấy cho bà ở”. Về việc cụ Đay nói rằng cụ bán đất và đưa tiền cho ông Bình, ông này trả lời: “Tôi xây móng hết 6 triệu đồng thì bà xin qua ở và nói là có một ít tiền, thôi thì phụ vô 5 triệu đồng”.

 

Trong tờ giấy do ông Bình viết, có dấu lăn tay của cụ Đay và xác nhận của khu phố, chỉ có nội dung cho cụ Đay ở nhờ đến cuối đời, không hề đề cập đến chuyện nuôi dưỡng cũng như tiền bạc. Khi chúng tôi thắc mắc thì ông Bình kể: “Bán đất, bà đi sắm vàng. Vì không có chỗ cất nên bà đem qua gởi cho vợ chồng tôi 3 cây vàng. Tôi cất nhà vừa xong, bà về ở rồi nói mày đưa cho tao giữ, chớ hồi giờ tao chưa biết vàng là gì hết. Có gì thì tao gởi cho bạn của ông bõ mày (tức bạn của chồng bà - PV), sau này tao báo cho mày biết để mày tới lấy. Tôi không đồng ý, nghĩ người ta không nuôi nhưng sẽ tiêu hết vàng, còn mình thì phải lo cho bà. Nhưng bà đòi liên tục nên tui đưa lại 2 cây vàng. Thời gian sau, bà mổ mắt và bảo tôi đưa 2 chỉ vàng để bán chữa mắt. Còn lại 8 chỉ, khoảng một tháng sau bà bảo bán cho bà một chỉ vàng nữa. Bà cứ kiếm chuyện này chuyện nọ lấy lại hết, còn 3 chỉ vàng. Tôi nói phần này phải giữ lại để sau này khi bà mất thì có tiền lo tang chế, nhưng bà đòi và chửi quá nên tôi đã đưa hết. Bà chỉ nhớ gởi mà không nhớ là đã lấy lại 3 cây vàng”.

 

MÂU THUẪN GAY GẮT VỚI HÀNG XÓM

 

Theo ông Bình, mâu thuẫn phát sinh sau khi vợ chồng ông đóng cổng của ngôi nhà cụ Đay đang ở, không cho những người hàng xóm lui tới. Ông lý giải rằng một số người đến, dụ dỗ cụ Đay đưa tiền cho họ giữ(?!). Thêm vào đó, cụ Đay  mắt mờ, tai điếc, chân yếu, sợ đi ra ngoài thì té ngã, vợ chồng ông sẽ khổ. Về việc nhiều người đến thăm cụ Đay mang theo trái cây, thức ăn và bị vợ chồng ông vứt đi, ông Bình giải thích: “Vì bà gởi tiền cho người ta mua đồ ăn, trong khi vợ chồng tôi bưng cơm qua thì bà đem đổ. Tôi quăng đi để người ta thấy, đừng đem tới nữa, để bà ăn cơm ở nhà”.

 

Trên thực tế, không phải lúc nào cụ Đay cũng gởi tiền cho người khác mua thức ăn. Nhiều lần, vì thương hoàn cảnh của cụ mà một số người ở cùng phường đến thăm, mang theo trái cây, bánh ngọt, nước yến… Tất cả quà mang đến đều bị quẳng ra ngoài. Bà K, người láng giềng, kể: “Một buổi sáng, cô Hòa đem tới cho bà lồng mứt, sữa với hai lon nước yến. Vợ ông Bình mang liệng ra ngoài đường. Tôi lượm hai lon nước yến vô, sáng hôm sau thấy bà đứng bên đó nên sai con đem qua đưa cho bà uống. Vợ ông Bình thấy, lại cầm quăng ra ngoài đường”.

 

Ông Ðặng Vũ Hỷ, Phó Chủ tịch UBND phường 2, nói:  “Thời gian tới, tôi sẽ xuống khu phố 2, cùng khu phố và đoàn thể tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của bà cụ. Nếu cụ muốn đi thì chúng tôi sẽ làm thủ tục đưa cụ đến Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh.

“Cô Hòa” mà bà K. nhắc đến là bà Nguyễn Thị Lan ở phường 2, người đã có gần 20  năm tự nguyện chăm sóc những người già neo đơn ở địa phương và từng đến bệnh viện để chăm sóc một số bệnh nhân lao, AIDS không có người thân ở bên cạnh. Bà Lan kể: “Trước đây, khoảng 2 rưỡi, 3 giờ chiều, tôi thường mua bún cho bà ăn, rồi bún cũng bị đổ. Có bữa khoảng 8 rưỡi sáng, tôi mua bánh canh đến cho bà thì bị đổ, quăng trong nhà. Lần khác, tôi mua nem và bánh ngọt, nhờ người khác đem đến. Bà ăn được nem, còn bánh ngọt để trên bàn thì bị quăng đi và họ còn lấy chân chà lên. Tôi đến thăm bà thì Bình nói: “Chị chưa lấy được tiền hay sao mà chị lên?”. Bình nghĩ tôi muốn lấy tiền của bà”. Còn ông Hà Kim Hùng, nhà ở đối diện với căn nhà cụ Đay đang ở, cho biết: “Hai, ba tháng nay trong nhà bà không có ngọn đèn. Hồi trước trong nhà có một bóng đèn sạc, loại mà người ta dùng khi cúp điện, thắp một chút rồi nó cũng rút luôn, tối thui vậy đó. Ở đây ai cũng biết hết”.

 

Rõ ràng, mâu thuẫn giữa vợ chồng ông Bình với nhiều người chung quanh về việc nuôi nấng cụ Đay không phải do những người hàng xóm “nhiều chuyện, nói quá sự thật, chuyện bé xé ra to” như ông Ngô Thanh Xuân, khu phố trưởng khu phố 2 nói. Láng giềng bức xúc khi thấy những gì họ mang đến biếu cụ Đay bị ném ra đường, bị giẫm lên; những gì cụ Đay gởi mua cũng bị ném; nơi cụ ở không có điện. Còn vợ chồng ông Bình thì nghĩ rằng họ đến chỉ vì muốn dụ dỗ cụ để… lấy tiền! Chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể đã đến làm việc và cho rằng không có biểu hiện bạc đãi cụ Đay, nhưng không giải quyết được mâu thuẫn và tình hình vẫn chưa được cải thiện. Điều ngạc nhiên là trong khi mối quan hệ giữa vợ chồng ông Bình và cụ Đay đã trở nên rất xấu (theo lời ông Bình thì cụ Đay đổ thức ăn khi vợ chồng ông mang sang), vậy mà ông Bình vẫn nhất quyết không đồng ý để cụ đến nơi khác sống, ngay cả khi đó là mong muốn cuối đời của cụ!

  

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek