Lấy tình người để gieo mầm thiện là phương châm cải tạo, giáo dục của trại giam Xuân Phước thuộc Bộ Công an nằm ở phía tây huyện Đồng Xuân.
Thượng tá, Phó giám thị trại giam Xuân Phước Phạm Xuân Lâm cho biết ngày mới thành lập trại giam Xuân Phước nằm giữa núi rừng hoang vu, muốn ra phố huyện phải đi bộ hơn 15 km, còn xe tải ì ạch cả buổi mới vượt qua. Mùa mưa lũ sông Trà Bương cuộn chảy ầm ào, chia cắt trại giam biệt lập, mùa nắng cạn kiệt nguồn nước nên đất đai cằn cỗi, từ phân trại phạm nhân đến nhà làm việc và khu tập thể của cán bộ, chiến sĩ đều là mái tranh, vách đất, nên việc quản lý rất cực nhọc. Những trận sốt rét rừng hành hạ khiến cho 9 cán bộ, chiến sĩ vĩnh viễn ra đi, nhưng đồng đội của họ vẫn đứng vững và vươn lên trong thử thách.
Dạy nghề may mặc dân dụng cho phạm nhân ở trại giam Xuân Phước – Ảnh: HỮU TOÀN
Xuân Phước là trại giam loại 1, thường xuyên quản lý cải tạo gần 1.000 phạm nhân, hầu hết có mức án tù 10 năm đến chung thân, trong đó có nhiều đối tượng tên tuổi trong giới giang hồ tứ chiếng, từng cầm đầu các băng, nhóm tội phạm hình sự gây ra nhiều vụ trọng án. Để họ cảm phục thật sự, bên cạnh công tác giáo dục chính trị, pháp luật, rèn luyện quy chế kỷ luật và thực thi nghiêm túc Pháp lệnh thi hành án phạt tù, cán bộ quản giáo phải nghiên cứu rất kỹ hồ sơ từng phạm nhân, tiếp cận và tìm hiểu gia cảnh, tâm lý, trình độ kiến thức…trước khi phạm tội để chủ động cảm hóa giáo dục và bố trí lao động hiệu quả. Ngoài hai đội sản xuất nông nghiệp trồng lúa, mía và chăn nuôi bò, dê, cá, còn có bốn đội gia công may mặc dân dụng, đồ mộc mỹ nghệ, đan lát mây tre, sản xuất gạch, xây dựng dân dụng và 1 đội lao động phổ thông bóc tách hạt điều. Từ môi trường lao động không chỉ tạo ra sản phẩm kinh tế, mà hiệu quả lớn hơn là vấn đề hướng nghiệp cho phạm nhân để khi trở về cộng đồng họ có điều kiện mưu sinh chân chính.
Trung tá cán bộ giáo dục Phạm Đức Nhuận cho biết mặc dù bị cách ly khỏi cộng đồng xã hội, nhưng phạm nhân luôn được cập nhật thông tin chính trị, kinh tế xã hội và pháp luật thông qua các buổi sinh hoạt, nghe đài, xem ti vi, đọc sách báo; những ngày nghỉ được xem phim khoa giáo, hoạt động văn nghệ thể thao. Mỗi phân trại đều có đội bóng chuyền, bóng đá và văn nghệ để giao lưu thi đấu trong những ngày lễ, ngày tết. Đặc biệt những phạm nhân mù chữ đều được học chương trình phổ cập xóa mù, hiện tại lớp học này có 27 phạm nhân, người giảng dạy là phạm nhân Hoàng Trọng Sơn (SN1957) quê ở Quảng Ngãi, nguyên là Trưởng phòng kế toán Xí nghiệp xây dựng giao thông 556. Nhiều người chỉ sau 4 tháng đã tự viết thư gửi về gia đình và đọc báo. Tại bếp ăn tập thể, chế độ tự kiểm quản luôn thực thi nghiêm túc, ngoài định lượng khẩu phần theo quy định pháp luật, bữa ăn phạm nhân được bổ sung thêm thịt, cá, rau xanh bằng nguồn sản xuất tại chỗ, nhờ đó từ nhiều năm qua ở Trại giam Xuân Phước không có tình trạng phạm nhân suy kiệt, không xảy ra trốn trại, trật tự kỷ luật ở các buồng giam luôn bảo đảm ổn định. Để mầm thiện lớn dần trong tâm mỗi phạm nhân, những cán bộ quản giáo ở Trại giam Xuân Phước luôn vận dụng tình người để ứng xử.
Từ môi trường giáo dục đó, một số phạm nhân phải tự thú lỗi lầm quá khứ chưa phát hiện, như trường hợp Nguyễn Văn Hùng (SN1973) quê ở xã Long Phước, huyện Long Thành (Đồng Nai) vào trại năm 1991 với mức án 14 năm tù về tội “cướp tài sản”. Suốt 8 năm không một người thân đến thăm, nhưng bù lại là tấm lòng nhân hậu, bao dung của cán bộ quản giáo, nên giữa năm 1999 Hùng thú nhận tên thật là Nguyễn Kế Sơn, đồng phạm trong vụ “giết người” vào năm 1988 ở Xà Bang, huyện Châu Thành (Bà Rịa -Vũng Tàu). Mặc dù sau đó bị dồn án phạt 20 năm tù, nhưng Sơn thanh thản hơn vì trút hết lo âu. Phạm nhân Lê Cảnh Tuấn (SN1972) ở phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh tâm sự “Do không kiềm chế sau cuộc đụng độ với một nhóm thanh niên khác, em đã cầm dao gây án mạng nên bị xử phạt tù chung thân. Được cán bộ giáo rèn, em thật sự hối hận nên tích cực cải tạo, hai năm qua đã được giảm án còn 19 năm”.
Có thể nói Trại giam Xuân Phước thực sự là môi trường giáo dục người lầm lỗi sớm phục thiện. Mỗi sáng bước ra sân, phần thiện trong tâm phạm nhân sẽ được đánh thức bởi những dòng chữ lớn trước cổng “Lao động hăng say, mau phục thiện. Học tập chuyên cần, sớm hoàn lương”. Từ khu hành chính, nhà tập thể CBCS, nhà khách, nhà tiếp đón người thăm nuôi đến khu quản lý phạm nhân, sân đường nội bộ đều thoáng sạch, rực rỡ sắc hoa và đẹp tươi cây cảnh. Hơn 100 ha bạch đàn phía tây tạo nên cánh rừng phòng hộ nối liền 70 ha ruộng lúa, rẫy mía, bãi ngô và đàn bò, dê, lợn hàng trăm gắn kết với 5 ha hồ cá nước ngọt…Trong đợt kiểm tra cuối tháng 7, Ủy ban pháp luật Quốc hội đã đánh giá cao công tác quản lý giáo dục phạm nhân ở đây, nhiều năm liền Đảng bộ Trại giam Xuân Phước trong sạch vững mạnh, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trên chuyến xe về xuôi, chúng tôi nhớ mãi bài hát “Xuân Phước yêu thương” với những ca từ “Những người cảnh sát như những kỹ sư tâm hồn. Gạn đục khơi trong, xây ước mơ cho những người lầm đường lạc lối. Từ trong bóng tối vươn lên làm lại cuộc đời, góp sức mình xây dựng Tổ quốc đẹp tươi”. Những “kỹ sư tâm hồn” ở Xuân Phước đã, đang và sẽ lấy tình người để gieo mầm thiện.
HỮU TOÀN