Mục tiêu của đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên (TTN) giai đoạn 2011-2015 là giảm từ 10% trở lên số người vi phạm pháp luật là TTN, số vụ vi phạm pháp luật có TTN tham gia.
100% TTN trong trường học sẽ được phổ biến chính sách, pháp luật - Ảnh minh họa |
Đề án vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, ưu tiên chỉ đạo và đầu tư nguồn lực cho các vùng, địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và vùng, địa phương có khu đô thị, khu công nghiệp tập trung. Đồng thời, đề án có chính sách ưu tiên và đầu tư nguồn lực cho TTN là phụ nữ, các bà mẹ dưới 30 tuổi.
Đề án phấn đấu đến năm 2015: - 80% TTN tự do, sinh sống, lao động tại địa bàn cư trú được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực liên quan đến quyền, nghĩa vụ và đời sống, công việc của từng đối tượng, từng địa bàn; - 100% TTN trong trường học sẽ được phổ biến chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, công việc, học tập phù hợp với lứa tuổi của các em; - 80% TTN vi phạm pháp luật được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, hạn chế tái vi phạm pháp luật và tạo điều kiện hòa nhập tốt với cộng đồng; - 70% TTN lao động ở nước ngoài được thông tin, phổ biến các quy định pháp luật Việt
Đề án sẽ được thực hiện với 4 đối tượng: TTN tự do, sinh sống, lao động tại địa bàn cư trú; TTN trong trường học; TTN vi phạm pháp luật; TTN lao động ở nước ngoài.
Nâng tính chủ động tìm hiểu pháp luật của TTN, kết hợp trách nhiệm của gia đình, cộng đồng
Nội dung đầu tiên của đề án là điều tra, khảo sát đánh giá tình hình thực hiện pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, nhu cầu học tập, tìm hiểu pháp luật; rà soát các biện pháp, mô hình tuyên truyền nhằm đánh giá, xác định nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với yêu cầu của TTN hiện nay.
Sau đó, xây dựng nội dung pháp luật, chú trọng pháp luật trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, lao động, văn hóa, môi trường, xã hội, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội...
Từ đó tiến hành tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng hình thức, biện pháp phù hợp. Nâng cao tính chủ động của TTN trong học tập, tìm hiểu pháp luật cũng như trách nhiệm của gia đình, cộng đồng đối với việc giáo dục ý thức pháp luật cho TTN,...
2 giai đoạn thực hiện đề án
Đề án sẽ bắt đầu được thực hiện từ quý I/2011 và kết thúc vào cuối năm 2015; chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn I (từ 1/2011 đến hết 2012) bao gồm việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án; tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật của các nhóm TTN; chọn địa phương, mô hình làm điểm để tập trung triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật...
Giai đoạn II (từ 1/2013 đến hết 2015) sẽ nhân rộng chỉ đạo điểm phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật mới...
Ước tính tổng kinh phí thực hiện đề án là 56 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương 30 tỉ đồng và ngân sách địa phương 26 tỉ đồng.
Theo chinhphu.vn