Khoản 1, Điều 307, Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định: Khi xét xử bị cáo là người chưa thành niên thì thành phần Hội đồng xét xử (HĐXX) phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên. Thực tế, việc xét xử đối tượng phạm tội này thời gian qua gặp nhiều khó khăn khi áp dụng quy định này.
Phiên tòa lưu động xét xử bị cáo Lê Công Phi ở xã Xuân Phương (TX Sông Cầu) khi phạm tội là vị thành niên. - Ảnh: V.TÀI
THÀNH PHẦN HỘI ĐỒNG XÉT XỬ TÙY NGHI
Bị cáo Nguyễn Đình Nguyên phạm tội trộm cắp tài sản, khi đưa ra xét xử sơ thẩm bị cáo chưa đủ 18 tuổi, nhưng thành phần HĐXX TAND TP Tuy Hòa có một Hội thẩm là cán bộ hưu trí, người kia là cán bộ phòng Giáo dục. Bị cáo Phạm Văn Đạt khi phạm tội mới hơn 16 tuổi, khi xét xử sơ thẩm bị cáo cũng chưa đủ 18 tuổi, nên thành phần HĐXX TAND TX Sông Cầu có hai Hội thẩm là Chủ tịch Liên đoàn Lao động và Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã… hoặc nhiều vụ bị cáo là người chưa thành niên nhưng khi xét xử phúc thẩm, HĐXX tòa án cấp phúc thẩm cũng chỉ có ba Thẩm phán.
Nhiều người cho rằng, thành phần HĐXX trong các vụ án nói trên là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật. Bởi tại Hội nghị tổng kết ngành Tòa án năm 1991, TAND Tối cao đã hướng dẫn: Khi phạm tội, bị cáo là người chưa thành niên nhưng khi đưa ra xét xử bị cáo là người đủ 18 tuổi thì Tòa án áp dụng thủ tục tố tụng theo các phiên tòa bình thường. Tức là không bắt buộc phải có Luật sư, cũng không nhất thiết phải cử Hội thẩm nhân dân là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên… Tuy nhiên, vì lúc phạm tội họ là người chưa thành niên nên bắt buộc phải theo đúng các quy định của Bộ Luật hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Tại Công văn 81 ngày 10/6/2002, TAND Tối cao cũng giải thích: Khái niệm “giáo viên” cần được hiểu là những “nhà giáo” - những người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường hoặc các cơ sở giáo dục khác, kể cả trường hợp họ đã nghỉ hưu. Do đó, cán bộ phòng Giáo dục cũng được coi là giáo viên. Riêng đối với cấp phúc thẩm, do Luật không quy định rõ, hơn nữa thực tế ở các Tòa phúc thẩm TAND Tối cao hiện nay không có chế độ Hội thẩm nên thành phần HĐXX có ba thẩm phán là phù hợp.
VI PHẠM?
Một số ý kiến khác lại cho rằng: Các hướng dẫn của ngành Tòa án chỉ là hướng dẫn nội bộ, có từ lâu nên không còn phù hợp với Bộ Luật tố tụng hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2003. Hơn nữa, sở dĩ Luật quy định khi xét xử bị cáo là người chưa thành niên thì thành phần Hội đồng xét xử phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên là nhằm đảm bảo trong HĐXX có ít nhất một người có hiểu biết về tâm lý và có kinh nghiệm trong việc giáo dục người chưa thành niên. Điều 307 Bộ Luật Tố tụng hình sự chỉ quy định “thành phần HĐXX phải có…”, có thể hiểu là “ nếu không có” là vi phạm tố tụng. Do đó, khi xét xử bị cáo đã thành niên mà khi phạm tội họ là người chưa thành niên mà lại áp dụng thủ tục phiên tòa như một phiên tòa bình thường, không bắt buộc phải đúng thành phần HĐXX thì sẽ làm giảm đi ý nghĩa của việc áp dụng chính sách pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội.
Đối với phiên tòa phúc thẩm, tại điều 244 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định “HĐXX phúc thẩm gồm ba thẩm phán và trong trường hợp cần thiết có thể có thêm hai hội thẩm”. Từ trước đến nay, cả cấp trung ương và cấp tỉnh, chưa thấy có phiên tòa phúc thẩm nào mà thành phần HĐXX có sự tham gia của Hội thẩm. Bên cạnh đó, hiện nay ở cấp trung ương không còn chế độ Hội thẩm nên quy định nói trên xem ra chỉ là hình thức. Trong khi đó, Điều 307 Bộ Luật Hình sự lại chỉ quy định một cách chung chung mà không nói rõ là khi xét xử theo thủ tục sơ thẩm hay phúc thẩm thì mới phải có Hội thẩm là giáo viên hay cán bộ đoàn?
Một vấn đề nữa mà thực tiễn xét xử đã gặp, đó là có những phiên tòa sơ thẩm, bị cáo là người chưa thành niên nhưng thành phần HĐXX không có Hội thẩm là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên. Căn cứ theo quy định của pháp luật, như vậy là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, Tòa án cấp phúc thẩm phải hủy án để xét xử lại, trong khi đó chỉ còn vài ngày hoặc một, hai tháng nữa thì bị cáo đó đủ 18 tuổi. Nếu hủy án thì sau đó khi xét xử lại bị cáo đã thành niên thì thành phần HĐXX không cần có Hội thẩm theo Luật định. Như vậy, hủy cũng như không. Do đó, biết là cấp dưới vi phạm nhưng vẫn không thể khắc phục được mà sau đó chỉ để… rút kinh nghiệm.
TRẦN BẢO