Thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Phú Yên đã tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm án hình sự. Việc kháng nghị không chỉ chú ý đến các hình phạt chính mà còn quan tâm đến hình phạt bổ sung nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo. Xin nêu hai trường hợp điển hình:
Vụ thứ nhất: Khoảng 16g45 ngày 20/2/2010, Đoàn Văn Chung điều khiển ô tô khách 36M-2682 lưu hành trên quốc lộ 1A theo hướng nam - bắc. Khi đến thôn Hòa Đa, xã An Mỹ (huyện Tuy An), đoạn đường có biển báo nguy hiểm giao nhau với đường không ưu tiên và biển báo có trẻ em qua đường, do không giảm tốc độ, vẫn cho xe chạy 69,5-71,9km/g nên ô tô do Chung điều khiển đã tung vào mô tô 78F7-7710 do Phạm Thị Thu Trinh điều khiển, làm Trinh chết.
Ngày 1/7/2010, TAND huyện Tuy An đã áp dụng khoản 1, khoản 5, Điều 202, các điểm b, p, khoản 1, khoản 2, Điều 46 Bộ Luật hình sự xử phạt bị cáo Đoàn Văn Chung 1 năm tù về tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Cấm bị cáo hành nghề lái xe 1 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Qua kiểm sát bản án, nhận thấy: bản án sơ thẩm đã áp dụng khoản 1, Điều 202 Bộ Luật hình sự để xử phạt bị cáo Đoàn Văn Chung về tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, về hình phạt bổ sung: Bản án sơ thẩm áp dụng khoản 5, Điều 202 Bộ Luật hình sự cấm bị cáo hành nghề lái xe 1 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù, là không đúng pháp luật. Bởi bị cáo Chung điều khiển ô tô gây tai nạn, nhưng bản án sơ thẩm lại cấm bị cáo hành nghề lái xe mà không nói rõ là cấm lái loại xe nào, như vậy sẽ gây khó khăn trong quá trình thi hành án, đồng thời làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Từ đó, VKSND Phú Yên đã kháng nghị đề nghị TAND tỉnh Phú Yên xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm nói trên theo hướng cấm bị cáo Đoàn Văn Chung hành nghề lái ô tô trong thời hạn 1 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Ngày 28/9/2010, TAND tỉnh Phú Yên xét xử đã chấp nhận kháng nghị.
Vụ thứ hai: Khoảng 7g ngày 22/4/2009, Nguyễn Thanh Tùng điều khiển máy cày hiệu FIAT kéo rơ-mooc chở bồn chứa nước vào khu vực trồng rừng. Khi máy cày đi qua trụ sở UBND xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa) thì bà Lê Thị Thái cùng cháu nội là Phạm Văn Cường xin đi nhờ. Tùng cho bà Thái, cháu Cường ngồi ở dè chắn bùn. Khi đến khu vực dốc Mà Cháy thì máy cày bị lật, làm bà Thái chết, Tùng bị thương tích 65%, cháu Cường bị thương tích nhẹ.
Ngày 19/5/2010, TAND huyện Phú Hòa đã áp dụng điểm a, khoản 2, Điều 202, điểm b, p khoản 1, khoản 2, Điều 46, Điều 47 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Nguyễn Thanh Tùng 18 tháng tù về tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; cấm bị cáo hành nghề lái ô tô trong thời hạn 1 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Trong vụ này, bản án sơ thẩm đã xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Tùng về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là có căn cứ đúng pháp luật. Tuy nhiên, bị cáo Tùng điều khiển máy cày là loại xe máy chuyên dùng gây tai nạn nghiêm trọng dẫn đến bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng bản án sơ thẩm lại cấm bị cáo hành nghề lái ô tô là vi phạm điều 36 Bộ luật Hình sự. Hơn nữa, bị cáo đang sinh sống bằng nghề lái ô tô nên việc án sơ thẩm tuyên như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo sau khi chấp hành xong hình phạt tù. VKSND tỉnh Phú Yên đã kháng nghị và TAND tỉnh Phú Yên xét xử chấp nhận kháng nghị sửa bản án sơ thẩm: Cấm bị cáo hành nghề lái xe máy chuyên dùng.
BẢO NGỌC