Nhân chuyến về làm việc và kiểm tra tại Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính đã dành cho Báo Phú Yên cuộc trao đổi về những đánh giá trong công tác tư pháp và thi hành án dân sự ở Phú Yên trong thời gian qua và những định hướng cần phải làm trong thời gian đến. Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Nguyễn Đức Chính nói:
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính. - Ảnh: V.T
Trong điều kiện lực lượng cán bộ của Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự Phú Yên vẫn còn mỏng, vừa thiếu và phải kiêm nhiệm, nhưng hai đơn vị đã hoàn thành được một khối lượng công việc rất lớn và triển khai có hiệu quả nhiệm vụ công tác tư pháp và thi hành án dân sự. Đây là một điều đáng tự hào, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị địa phương và của ngành.
Để có được điều này, đội ngũ những người làm công tác tư pháp và thi hành án ở Phú Yên đã không ngừng học hỏi, đoàn kết, chung sức chung lòng, quyết liệt và sát sao trong chỉ đạo, điều hành, có phương pháp tổ chức triển khai công việc khoa học và sâu sát trong kiểm tra. Qua đó, phát hiện những vấn đề khó khăn hoặc mới nảy sinh để có hướng chỉ đạo giải quyết kịp thời, giúp cho công việc được trôi chảy hơn. Qua kiểm tra ở hai đơn vị này, tôi thấy các phong trào thi đua cũng được cũng được triển khai sôi nổi như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; kiện toàn tổ chức, xây dựng kỷ luật, kỷ cương và xây dựng ngành trong sạch vững mạnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính...thu hút đông đảo cán bộ công chức, chấp hành viên hăng hái tham gia bằng những phần việc, đầu việc cụ thể...Trong đó, nổi bật như Cục Thi hành án dân sự Phú Yên trong 6 tháng đầu năm 2010 đã hoàn thành xong 2.616 việc có điều kiện thi hành án, đạt tỷ lệ 79,8% mà Tổng cục Thi hành án giao Ngành Tư pháp Phú Yên đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh bàn hành chương trình xây dựng văn bản qui phạp pháp luật, cũng như tổ chức công tác trợ giúp pháp lý và đưa pháp luật về cơ sở, về với vùng sâu, vùng xa...Qua đó, hoàn thành tốt nhiệm vụ 6 tháng đầu năm mà các đơn vị đã đề ra....
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian đến các ngành Tư pháp và Thi hành án dân sự Phú Yên cần phải tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Vì đây chính là đội ngũ có quan hệ mật thiết hằng ngày với nhân dân nên đó cũng là cách đưa pháp luật đến gần hơn với dân và lấy sự hài lòng của người dân để làm tiêu chí đánh giá chất lượng công tác....
* Tuy nhiên, việc thiếu biên chế, kinh phí hoạt động hiện nay đang là thực trạng mà cả ngành Tư pháp, cũng như Thi hành án dân sự Phú Yên đang phải đối mặt.. Điều này đã làm ảnh hưởng đến việc triển khai nhiệm vụ công tác. Vậy Bộ sẽ có giải pháp gì để giúp Phú Yên tháo gỡ khó khăn này, thưa Thứ trưởng?
- Qua kiểm tra tại ở hai đơn vị, tôi cũng đã nhận được nhiều kiến nghị về việc tăng biên chế. Vấn đề biên chế, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đã ban hành thông tư liên tịch 01, nên các cấp lãnh đạo của tỉnh Phú Yên cũng cần có quan tâm hơn nữa trong việc thực hiện thông tư này. Bên cạnh đó, cũng cần phải căn cứ vào lượng việc của từng cấp để bố trí biên chế, tuyển dụng cán bộ....Riêng vấn đề biên chế cho Thi hành án, hiện Bộ Tư pháp đang có đề án củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Thi hành án dân sự các cấp. Trong đó, có cả giải pháp tăng kinh phí hoạt động, biên chế và sắp tới đây sẽ trình Chính phủ. Trước mắt, năm 2010, Chính phủ cũng đã phân bổ biên chế cho các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó, có Phú Yên, nhằm giảm tải một bước vấn đề thiếu thốn về biên chế trong công tác thi hành án dân sự....
* Do thiếu cán bộ nên việc tuyên truyền và phổ biến pháp luật đến với người dân ở Phú Yên vẫn còn nhiều bất cập, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Vậy Thứ trưởng có gợi ý gì để giúp Phú Yên triển khai tốt công tác này trong thời gian đến...?
- Tuyên truyền pháp luật cho người dân không phải là cứ cung cấp kiến thức pháp luật là xong, mà phải làm sao cho người dân hiểu được pháp luật rất cần thiết đối với họ. Từ đó, giúp họ có ý thức tự nguyện, tự giác chấp hành pháp luật cho đúng.
Với tiêu chí đó nên công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong thời gian qua ở Phú Yên cũng có một số kết quả nhất định, nhưng tôi nghĩ rằng vẫn chưa xây dựng được ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật trong mỗi công dân, do vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng cần phải làm mạnh mẽ, thường xuyên hơn nữa, bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng hơn.
Đối với công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật ở đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp rất quan tâm và chú trọng đúng mức với nhiều đề án, chương trình cụ thể. Riêng Phú Yên để làm tốt công tác này thì cần phải đào tạo xây dựng được đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên biết tiếng dân tộc, rồi cung cấp tài liệu về pháp luật bằng tiếng dân tộc, song song đó là dịch các văn bản, các qui định ra tiếng của đồng bào dân tộc để cấp phát miễn phí cho người dân. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng đến hình thức tuyên truyền như: Cung cấp bằng đĩa CD, phát tờ rơi tại các phiên chợ, nhà rông văn hóa...cho vùng đồng bào dân tộc.
Nếu làm tốt các phần việc này, kết hợp với việc tuyên truyền pháp luật bền bỉ, lâu dài thì chắc chắn Phú Yên sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật một cách tự nguyện, cũng như tạo dựng lòng tin cho mọi người dân. Vì giáo dục pháp luật là vấn đề của cả hệ thống chính trị, chứ không phải là nhiệm vụ riêng của ngành Tư pháp. Đặc biệt, cũng cần phải huy động chính quyền và Hội đồng giáo dục pháp luật xã, phường, thị trấn tham gia một cách thật sự, quyết liệt thì mới làm tốt công tác này trong thời gian đến...
* Xin cảm ơn Thứ trưởng!
LỆ VĂN (thực hiện)