Từ những mâu thuẫn nhỏ giữa bạn bè với nhau, cộng với ảnh hưởng nặng những bộ phim bạo lực, trò game online... nhiều học sinh đã khiến xã hội phải lo lắng về những hành động mang tính giang hồ.
Học sinh tụ tập đánh nhau tại chùa Hồ Sơn (phường 9, TP Tuy Hòa). - Ảnh: P.V
Vào giờ tan học, ai cũng có thể bắt gặp các nhóm thanh niên tụ tập tại các quán cà phê trước cổng trường N (TP Tuy Hòa) để đón “đàn em” là những học sinh lớp 10, 11, 12. Lý do là để bạn bè trong trường thấy mình “cùng hội cùng thuyền” với các nhóm thanh niên này mà nể phục. Được các nhóm thanh niên này bảo kê, nhiều học sinh của trường N đã lập các băng nhóm ngay trong từng lớp học. Và chỉ một xích mích nhỏ, nhiều học sinh “tuôn” ra những lời thách đố, vung cây ném đá, thậm chí dùng hung khí rượt đuổi lẫn nhau. Trường hợp Nguyễn Thanh H, học sinh lớp 10 của một trường THPT ở TP Tuy Hòa là một ví dụ. Nghĩ là bạn bè học cùng lớp, H cười xã giao với L. Thế nhưng, L lại nghĩ H cười ngạo và khinh mình, nên đã gọi điện thoại nhóm “Hoàng cận” đến trước cổng trường N để “thanh toán” H. Phải nhờ đến sự can thiệp của giám thị và bảo vệ trường thì mới giải tán và L bị buộc phải thôi học.
Không chỉ có những nam sinh mà ngay cả những nữ sinh, được xem là phái yếu, cũng lập băng nhóm ở trường. Một khi có ai trong nhóm bị “thua thiệt” thì ngay lập tức cả nhóm “tương trợ” nhau. Nguyên nhân chính dẫn đến học sinh nữ đánh nhau chủ yếu là do những mâu thuẫn nhỏ trong lớp, hay buồn cười hơn là do ganh tị về sắc đẹp, khả năng học tập… Nguyễn Thị T. T, học sinh một trường THPT ở TP Tuy Hòa được biết đến là một “đàn chị”có biệt tài đánh nhau bằng dao lam. T có thể kẹp 4 mảnh dao lam vào các ngón tay để hù dọa học sinh khác, cộng với những lời lẽ có tính chất giang hồ như: “Tao giết mày nếu mày nói cô chuyện của tụi tao!”.
Nhiều học sinh thấy bạn bè đánh nhau, lẽ ra đến can thiệp giải hòa, thì lại đi cổ vũ. Thậm chí, có trường hợp xem những cuộc giải quyết mâu thuẫn là một đề tài thú vị để quay phim, chụp hình rồi đưa lên mạng xem cho vui. Ví dụ như vụ thanh toán nhau giữa hai nhóm học sinh Trường THCS H.V.T (TX Sông Cầu) làm nhiều học sinh bị thương. Hay như chỉ vì tranh giành bạn gái với nhau mà hai học sinh của Trường THPT L.H.P (huyện Tây Hòa) là Nguyễn Thế V và Nguyễn Thế L đâm chết Đinh Quốc D (sinh năm 1989)…
Sân vận động, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi Phú Yên (30 Duy Tân), công viên 26/3, đường Độc Lập, Hoàng Diệu… là địa điểm các băng nhóm học sinh khu vực TP Tuy Hòa thường xuyên tụ tập để giải quyết mâu thuẫn. Bà Nguyễn Thị Dung, nhà đối diện sân vận động TP Tuy Hòa, cho biết: “Tình trạng học sinh đánh nhau xảy ra ở đây thường xuyên. Chúng tôi thấy vậy có đến nhắc nhở, nhưng có khi tụi nó hăm dọa lại, nên chỉ còn cách báo với công an phường!”. Trung tá Hoàng Khắc Lợi, trưởng Công an phường 5 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Công an phường thường xuyên tổ chức tuần tra giải quyết mâu thuẫn của những nhóm học sinh tại các khu vực sân vận động và trước cổng của các trường THPT trên địa bàn phường, thế nhưng tình trạng này vẫn chưa thể chấm dứt triệt để”.
Làm gì để hạn chế tình trạng giang hồ trong giới học sinh, đó là một câu hỏi, một thách thức đối với cả cộng đồng. Chúng ta cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Các trường học cần tăng cường giáo dục lối sống cho học sinh thông qua các tiết sinh hoạt, chào cờ, tạo ra môi trường vui chơi lành mạnh. Bản thân các phụ huynh cần nghiêm khắc hơn trong việc giáo dục con cái. Đó là một trong những việc làm cấp thiết nhất để góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực theo cách giang hồ của một bộ phận học sinh hiện nay.
VĂN LÊ