Thực tế cho thấy công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp được thực hiện ở các địa phương thời gian qua có chất lượng chưa cao, chưa bảo đảm thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản trong hệ thống pháp luật, chưa phù hợp với nội dung văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Pháp chế chính sách (Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ) có nhận xét như vậy khi trả lời phỏng vấn với Báo Phú Yên.
Đội Quản lý thị trường số 2 (Chi cục Quản lý thị trường Phú Yên) thu giữ chi tiết xe máy vi phạm sở hữu công nghiệâp một cửa hàng xe máy ở TP Tuy Hòa. - Ảnh: MINH NGUYỆT
* Theo bà, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương hiện nay là gì?
- Một số văn bản quy định về thời điểm có hiệu lực chưa phù hợp Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND. Bởi vì, theo quy định, văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký, trừ trường hợp văn bản quy định ngày có hiệu lực muộn hơn. Tuy vậy, một số văn bản quy phạm pháp luật của địa phương quy định thời điểm có hiệu lực của văn bản là “kể từ ngày ký”. Bên cạnh đó, một số văn bản nhắc lại quy định của Luật Sở hữu trí tuệ song không đầy đủ, thậm chí không chính xác, đồng thời cũng không có quy định chỉ dẫn đó là của Luật Sở hữu trí tuệ. Ví dụ, trong quy chế hoạt động sở hữu công nghiệp của địa phương có quy định về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại nhưng không đầy đủ so với luật. Trong quy định quản lý một số hoạt động sở hữu công nghiệp trên địa bàn một số tỉnh có quy định về quyền của các tổ chức, cá nhân không phải là chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, trong đó nhắc lại các nội dung có liên quan của Luật Sở hữu trí tuệ nhưng không đầy đủ. Trong quy định, về hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn của một số tỉnh có đưa ra các quy định giải thích thuật ngữ về các đối tượng sở hữu công nghiệp nhưng lại không chính xác so với quy định có liên quan của Luật Sở hữu trí tuệ.
* Tình trạng trên có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sở hữu trí tuệ?
- Văn bản quy phạm pháp luật của địa phương đã đưa ra các quy định không đúng thẩm quyền. Việc nhắc lại nhưng không đầy đủ và không chính xác các quy định của luật sẽ khiến cho các đối tượng thực hiện hiểu không đúng, không đầy đủ về các quy định của luật. Việc đưa ra các quy định mới không đúng với chức năng, thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở địa phương. Chẳng hạn, trong quy chế quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp của địa phương có quy định giao cho sở Khoa học- Công nghệ có trách nhiệm: Thực hiện việc thẩm định, giám định về sở hữu công nghiệp phục vụ việc xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Các địa phương cũng đã đưa ra các quy định không thuộc thẩm quyền quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Chẳng hạn như, trong quy định quản lý một số hoạt động sở hữu công nghiệp trên địa bàn của một tỉnh có một điều quy định về việc áp dụng văn bản này tại địa phương, có nội dung: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên tham gia có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”. Có địa phương ban hành quy chế hoạt động sáng kiến của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh (ban hành theo quyết định của UBND), trong đó có định nghĩa đầy đủ về khái niệm sáng kiến, tác giả sáng kiến, chủ sở hữu sáng kiến, thẩm quyền, thủ tục xem xét công nhận sáng kiến… trong khi những nội dung nêu trên không thuộc thẩm quyền quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh. Có nơi đưa ra các quy định không phù hợp với quy định của nghị định. Ví dụ: Trong quy định quản lý một số hoạt động sở hữu công nghiệp trên địa bàn của một tỉnh có quy định tổ chức hoạt động giám định sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh “phải đăng ký hoạt động khoa học- công nghệ với sở Khoa học- Công nghệ”. Theo nghị định của Chính phủ, việc đăng ký hoạt động khoa học- công nghệ phải được tiến hành trước khi tổ chức đó được phép hoạt động giám định sở hữu công nghiệp.
* Theo bà, những giải pháp nào để khắc phục những bất cập trên?
- Việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương cần tuân thủ đúng các quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND, đặc biệt là các quy định về thẩm quyền ban hành, hình thức, nội dung của văn bản, thời điểm có hiệu lực của văn bản. Các quyết định của UBND cấp tỉnh được ban hành là nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp trong các lĩnh vực; các chỉ thị của UBND cấp tỉnh được ban hành nhằm quy định biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động, đôn đốc kiểm tra hoạt động của các cơ quan, đơn vị… Do vậy, nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên không được đưa ra các quy định vượt quá thẩm quyền của mình. Trường hợp hướng dẫn, triển khai thi hành quy định của các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan trung ương, không nên nhắc lại quy định của các văn bản được hướng dẫn. Nếu cần nhắc đến một quy định cụ thể nào đó thì có thể viện dẫn đến điều, khoản có liên quan trong luật, nghị định hoặc thông tư. Tăng cường công tác rà soát, kiểm tra văn bản để kịp thời phát hiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không đúng thẩm quyền, có nội dung vượt quá thẩm quyền, mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan cấp trên nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ của văn bản trong hệ thống pháp luật. Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực soạn thảo văn bản và kiến thức chuyên môn về sở hữu công nghiệp cho cán bộ có chức năng xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của địa phương.
* Xin cảm ơn bà!
MINH CHÂU (thực hiện)