Thứ Ba, 01/10/2024 20:45 CH
Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý Tạ Thị Minh Lý:
Trợ giúp pháp lý tăng tính độc lập trong tố tụng
Thứ Năm, 25/06/2009 11:00 SA

Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Phú Yên vừa tổ chức hội thảo nhằm tìm ra những giải pháp để nâng cao nhận thức về vai trò của các cơ quan tiến hành tố tụng, luật sư tham gia tố tụng trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Trao đổi với Báo Phú Yên, tiến sĩ Tạ Thị Minh Lý, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) cho biết:

 

tu-van-090625.jpg

Cán bộ Sở Tư pháp Phú Yên trợ giúp pháp lý cho người dân huyện Tuy An  - Ảnh: K.CHI

 

Hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, giúp họ trở thành chủ thể giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng, kịp thời kiến nghị khi phát hiện cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước thực thi nhiệm vụ vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của công dân.

 

Từ khi có thông tư liên tịch về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, quan hệ phối hợp giữa trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng ngày càng chặt chẽ hơn. Các bảng thông tin, hộp tin trợ giúp pháp lý được khai thác tốt nên số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng ngày càng tăng. Chất lượng bào chữa, bảo vệ quyền lợi qua các vụ việc từng bước được đảm bảo, do người tiến hành tố tụng tạo điều kiện để trợ giúp viên, luật sư cộng tác viên nghiên cứu hồ sơ, phản hồi các thông tin về trách nhiệm, việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, ý thức của trợ giúp viên và luật sư cộng tác viên. Người trợ giúp pháp lý có vai trò tích cực trong tố tụng, không chỉ giúp đỡ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý mà còn phối hợp hỗ trợ các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong một số hoạt động xác minh, cung cấp thông tin, sớm tìm ra sự thật khách quan, toàn diện của vụ án. Với những hoạt động tích cực đó, trợ giúp pháp lý đã góp phần với các cơ quan tố tụng nâng cao tính độc lập, vô tư, khách quan, sử dụng phương pháp tranh tụng khi giải quyết vụ việc, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế án có kháng cáo phải xử phúc thẩm, các khiếu nại không cần thiết.

 

* Hiện nay, hoạt động tố tụng của người thực hiện trợ giúp pháp lý vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tranh tụng tại các phiên tòa theo cải cách tư pháp. Cục trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?

 

- Có thể thấy, nhận thức về trợ giúp pháp lý nói chung và trợ giúp pháp lý  trong hoạt động tố tụng nói riêng còn hạn chế, chưa thống nhất, có nơi chưa cộng tác, chưa cử cộng tác viên tham gia. Các cơ quan tiến hành tố tụng còn xem đây là nhiệm vụ riêng của ngành Tư pháp, hoặc chưa kiểm tra, đôn đốc, sự phối hợp chưa thường xuyên, thiếu kịp thời. Vì vậy, vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ công chức chưa sẵn sàng cho người trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng vì e ngại làm chậm tiến độ vụ án, làm lộ bí mật công tác điều tra, phá án hoặc “chạy chọt” làm sai lệch vụ án. Ở một số địa phương, giấy chứng nhận tham gia tố tụng chỉ có hiệu lực trong giai đoạn đó dẫn đến tình trạng người trợ giúp pháp lý phải đi lại nhiều lần hoặc không được tạo điều kiện thuận lợi để nghiên cứu hồ sơ thẩm vấn. Số lượng vụ việc tham gia tố tụng còn rất thấp so với số lượng án phải giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng, phần lớn chỉ tập trung vào án hình sự mà chưa chú trọng vào án dân sự, lao động, hành chính. Hiểu biết về trợ giúp pháp luật của người dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng còn thấp…

 

* Đâu là nguyên nhân dẫn đến các hạn chế trên?

 

- Pháp luật điều chỉnh hoạt động tham gia tố tụng của người thực hiện trợ giúp pháp lý chưa đồng bộ, chưa quy định cụ thể tại các bộ luật Tố tụng hình sự, Tố tụng dân sự, pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, do đó chưa tạo lập cơ chế quản lý đồng bộ, thống nhất về sự tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý. Bên cạnh đó, số lượng trợ giúp viên pháp lý còn ít, năng lực còn hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu kỹ năng tham gia tố tụng, chưa tự tin. Sự phân bổ mạng lưới luật sư cộng tác viên không đồng đều giữa các địa phương cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

 

* Giải pháp nào để nâng cao hơn nữa hoạt  động trợ giúp pháp lý  ở cơ sở thưa cục trưởng?

 

- Trước mắt, hội đồng phối hợp ở Trung ương chủ động rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng để đề xuất cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các bộ luật Tố tụng hình sự, Tố tụng dân sự nhằm tạo thuận lợi cho các trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng; ban hành kịp thời các biểu mẫu thống kê, báo cáo của liên ngành, tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành ở các khu vực để đánh giá về công tác tham gia tố tụng, phản hồi thông tin; kịp thời hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của địa phương trong thực tiễn triển khai thông tư.

 

* Xin cảm ơn cục trưởng!

 

KIM CHI (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek