8 năm qua, ông Lê Văn Ký ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) đã liên tục gởi đơn đến các cơ quan chức năng nhờ xem xét, giải quyết để cho phép ông khai thác rừng bạch đàn 3 ha ở khu Lạc Sanh, xã Sơn Thành, huyện Tây Hòa (diện tích này hiện do Lâm trường Tháng Tám quản lý-PV). Thế nhưng sự việc đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Khu rừng bạch đàn trắng mà ông Lê Văn Ký cho rằng chính ông đã nhận trồng 17 năm về trước - Ảnh: ĐỨC THÔNG
Ông Lê Văn Ký cho biết, vào năm 1989, Nhà nước kêu gọi và khuyến khích toàn dân trồng cây gây rừng để phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Ông đã ký hợp đồng với HTX sản xuất nông nghiệp thị trấn Phú Lâm, huyện Tuy Hòa (nay là HTX nông nghiệp kinh doanh dịch vụ phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa gọi tắt là HTX phường Phú Lâm) trồng 3 ha cây bạch đàn ở khu kinh tế mới (KTM) Lạc Sanh, xã Sơn Thành, huyện Tuy Hòa (nay là xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa). Trách nhiệm của ông Ký theo hợp đồng là phải phát hoang, dọn đất, cày đất, chuẩn bị cây giống, trồng và chăm sóc đến khi thu hoạch. Thời gian hợp đồng trồng rừng từ tháng 11-1989 đến ngày
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Phú Yên đến khu vực rừng trồng Lạc Sanh và gặp một số nhân chứng để tìm hiểu sự việc. Ông Nguyễn Công Tâm, Trưởng Ban kiểm soát HTX phường Phú Lâm, cho biết: “Trước đây, HTX được Nhà nước giao 38 ha thuộc khu KTM Lạc Sanh, xã Sơn Thành để trồng như sả, hồ tiêu nhưng không thành công. Năm 1989, HTX ký hợp đồng với ông Lê Văn Ký trồng 3 ha cây bạch đàn ở khu vực này. Ông Ký chịu trách nhiệm trồng và chăm sóc đến khi khai thác thì được hưởng lợi 75%, phần còn lại thuộc về HTX. Đến năm 1990 thì khu KTM Lạc Sanh bàn giao lại cho Xí nghiệp Lâm nghiệp Tuy Hòa thuộc BQLRPH Sông Bàn Thạch quản lý (nay thuộc Lâm trường Tháng Tám), trong đó có 3ha rừng bạch đàn của ông Ký đã trồng 1 năm tuổi với mật độ 1000 cây/ha. Trong biên bản bàn giao thể hiện, HTX chỉ bàn giao đất và hộ dân, còn cây trồng, vật kiến trúc, nhà ở do hộ gia đình quản lý”. Các cơ quan chức năng trước đây quản lý khu KTM Lạc Sanh như UBND phường Phú Lâm và HTX phường Phú Lâm cũng đều xác nhận: “Ông Lê Văn Ký có trồng 3 ha bạch đàn tại khu KTM Lạc Sanh”. Qua xác minh thực tế tại hiện trường rừng trồng Lạc Sanh, chúng tôi nhận thấy: 3ha bạch đàn do ông Ký trồng thuộc loại bạch đàn trắng khác với rừng bạch đàn cao sản do Lâm trường Tháng Tám quản lý. Ông Nguyễn Thế Mức, cán bộ kỹ thuật của Lâm trường Tháng Tám, thừa nhận: “Trong diện tích 3ha bạch đàn đang tranh chấp với ông Ký có hai loại giống bạch đàn khác nhau. Loại bạch đàn trắng được trồng với mật độ 300 cây/ha, bạch đàn cao sản mật độ 320 cây/ha. Lâm trường chỉ trồng loại bạch đàn cao sản. Hơn nữa, quy cách trồng cây cũng khác nhau: Rừng do lâm trường trồng thì thẳng hàng, còn rừng bạch đàn 3ha đang tranh chấp, cây trồng lộn xộn, không theo hàng”.
Đơn khiếu nại của ông Lê Văn Ký đã được Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên và BQLRPH sông Bàn Thạch họp bàn hướng giải quyết. Theo đó, hai đơn vị trên công nhận thực tế có 3 ha rừng bạch đàn của HTX bàn giao cho lâm trường, vì thế đề nghị giải quyết hợp tình, hợp lý cho người dân. Tuy nhiên, ngày 11-1-2001, BQLRPH sông Bàn Thạch có công văn 04/BC-BQL trả lời Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên về đơn khiếu nại của ông Lê Văn Ký như sau: “Không có 3ha bạch đàn của ông Lê Văn Ký ở khu vực Lạc Sanh”.
Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên, ông Huỳnh Văn Mạnh, Giám đốc Lâm trường Tháng Tám cho biết: “Lâm trường Tháng Tám chỉ là đơn vị tiếp nhận để quản lý rừng trồng Lạc Sanh. Về nguồn gốc 3 ha bạch đàn tranh chấp với ông Ký, chúng tôi không rõ nhưng theo BQLRPH sông Bàn Thạch thì không có 3 ha rừng bạch đàn của ông Ký ở khu vực này. Việc tranh chấp này vượt quá thẩm quyền của lâm trường. Vì thế chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm thành lập đoàn để xác định lại rừng bạch đàn 3ha thuộc về ai; sau đó mới bàn hướng giải quyết. Theo tôi, thành phần đoàn xác minh gồm: Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, BQLRPH sông Bàn Thạch, Lâm trường Tháng Tám và ông Lê Văn Ký”.
ĐỨC THÔNG