Việc triển khai thi hành các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) đã đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, đặc biệt là những đối tượng chính sách, người nghèo sống ở những vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người, người khuyết tật, trẻ em... giúp họ có điều kiện tiếp cận với dịch vụ TGPL miễn phí, nâng cao nhận thức để tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Phú Yên tư vấn pháp luật cho người dân - Ảnh: ĐỨC THÔNG
ĐƯA PHÁP LUẬT ĐẾN NGƯỜI DÂN
Thông qua hoạt động tư vấn, giải đáp, hướng dẫn pháp lý, nâng cao hiểu biết pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của nhân dân, TGPL góp phần phổ biến pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm mục tiêu công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Theo ông Huỳnh Xuân, Giám đốc Sở Tư pháp Phú Yên, với sự ra đời của Luật TGPL, quyền bào chữa, quyền có người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL trước các cơ quan tiến hành tố tụng đã được bảo đảm. Bởi lẽ, người được TGPL không chỉ được yêu cầu cung cấp tư vấn pháp luật miễn phí, mà còn có quyền yêu cầu các trung tâm TGPL cử người đại diện để giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, thực hiện những công việc liên quan đến thủ tục hành chính, khiếu nại và các hoạt động khác ngoài tố tụng. Hoạt động TGPL góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức pháp luật cho người dân về hoạt động tố tụng, giúp họ trở thành chủ thể giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; kịp thời kiến nghị khi phát hiện cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước thực thi nhiệm vụ vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của công dân. Vì vậy, phát triển hoạt động TGPL để giúp đỡ pháp luật cho nhân dân là yêu cầu cần thiết, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, thể hiện chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Sau khi Luật TGPL có hiệu lực pháp luật, UBND tỉnh Phú Yên ban hành Chỉ thị số 04/CT-UB ngày 31/1/2007 triển khai thi hành Luật TGPL trên địa bàn tỉnh; quyết định thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng với các thành viên là lãnh đạo Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh và TAND tỉnh, do Giám đốc Sở Tư pháp làm Chủ tịch Hội đồng. Ông Huỳnh Xuân cho biết: Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tuy mới ra đời nhưng đã tạo sự đồng thuận, nhất trí của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là sự phối hợp đầy trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người được TGPL. Năm 2007, luật sư, cộng tác viên của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Phú Yên tham gia tố tụng 14 vụ án; năm 2008 tham gia tố tụng 20 vụ án. Hoạt động tham gia tố tụng của người thực hiện TGPL trong nhiều vụ án không chỉ đảm bảo tốt hơn quyền bào chữa của bị can, bị cáo mà còn giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, sửa chữa những thiếu sót, phòng ngừa các vi phạm trong tố tụng, làm rõ sự thật khách quan, góp phần bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ pháp chế XHCN…
CẦN ĐẢM BẢO QUYỀN CỦA NGƯỜI TGPL
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực trên, hoạt động tham gia tố tụng của người thực hiện TGPL vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Theo đánh giá của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL tỉnh Phú Yên, trong hoạt động tố tụng vẫn còn tình trạng người thực hiện TGPL gặp trở ngại khi tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra. Việc người thực hiện TGPL tự thu thập chứng cứ, đồ vật, tài liệu liên quan đến việc bào chữa chưa thực hiện được trong thực tế, mà chủ yếu vẫn phải phụ thuộc vào hồ sơ vụ án do cơ quan điều tra lập. Có những trường hợp quan điểm, ý kiến đề xuất, kiến nghị của người thực hiện TGPL không được hội đồng xét xử xem xét, đánh giá, không lý giải thỏa đáng về việc không chấp nhận quan điểm bào chữa trong bản án... Mặt khác, trình độ tranh tụng của người thực hiện TGPL, nhất là kỹ năng tác nghiệp (nghiên cứu hồ sơ, thu thập chứng cứ, đồ vật, tài liệu, hình thành quan điểm, luận bào chữa, khả năng đặt câu hỏi, trình bày, lập luận, bảo vệ quan điểm, luận cứ...) còn hạn chế. Chính sự hạn chế về kiến thức pháp luật và kỹ năng tranh tụng làm cho người thực hiện TGPL thiếu tự tin khi thực hiện nhiệm vụ đại diện, bào chữa. Số lượng vụ việc TGPL được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng, phần lớn chỉ tập trung vào các vụ án hình sự mà chưa thật chú trọng trong các vụ án dân sự, lao động. Trợ giúp viên pháp lý tuy đã được bổ nhiệm nhưng chưa ngang tầm với yêu cầu đặt ra trong thực hiện tố tụng…
Trên thực tế, do chưa nhận thức đầy đủ về công tác TGPL nên thời gian qua, vẫn còn một số đơn vị, địa phương chưa tạo điều kiện để người thực hiện TGPL thực hiện quyền của người tham gia tố tụng. Chính vì thế, ông Huỳnh Xuân cho rằng, để làm tốt hơn nữa công tác TGPL, cần quán triệt và tăng cường sự nhận thức đầy đủ về vai trò của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và luật sư tham gia tố tụng trong hoạt động TGPL. Các cơ quan tiến hành tố tụng và tổ chức thực hiện TGPL có trách nhiệm bảo đảm quyền được bào chữa của người được TGPL theo quy định của pháp luật. Cần phân định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho người thực hiện TGPL và tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng. Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong tố tụng của tỉnh thường xuyên nắm bắt tình hình, xử lý kịp thời những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện…
KIM CHI