Lực lượng chức năng vừa triệt phá đường dây mua bán người dưới 16 tuổi từ tỉnh Kon Tum, Bình Định và Phú Yên. Tiến hành kiểm tra ngôi nhà trên đường Ngô Gia Tự, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, lực lượng chức năng phát hiện 12 phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi từ 14-30 ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật. Qua vụ việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo về tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Lâu nay, các đối tượng trong các đường dây mua bán người thường sử dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Telegram) cấu kết với đối tượng cư trú ở nước ngoài, hình thành các đường dây khép kín dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân trong nước để đưa ra nước ngoài. Gần đây nổi lên chiêu trò tuyển mộ lao động Việt Nam sang Campuchia làm việc, cùng lời hứa việc nhẹ thu nhập cao. Nhưng sau khi đưa các nạn nhân vượt biên trái phép và bán vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí thì bọn chúng ép các nạn nhân làm việc nặng nhọc, nguy hiểm; nếu ai kháng cự thì bị đánh đập, hành hạ, bỏ đói.
Tại cuộc họp báo của Bộ Công an mới đây, thiếu tướng Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, cho biết tình hình tội phạm mua bán người từ cuối năm 2023 đến nay diễn biến hết sức phức tạp trên khắp các tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào. Trong khoảng thời gian này cả nước xảy ra 39 vụ án liên quan đến hành vi mua bán người, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó đã khởi tố 35 vụ, 104 đối tượng về hành vi này. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mua bán ngày càng tinh vi nhằm dụ dỗ các nạn nhân với các chiêu bài việc nhẹ, lương cao để lừa bán ra nước ngoài. Các nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài qua mạng để làm việc trong các nhóm lừa đảo tại Campuchia, khu vực Tam giác vàng, bị bán làm vợ bất hợp pháp hoặc làm gái mại dâm tại một số quốc gia.
Hành vi mua bán người để lại hậu quả nặng nề đối với các nạn nhân, khi họ được giải cứu trở về sẽ bị tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần. Không chỉ nạn nhân mà gia đình họ cũng gánh chịu nỗi đau, nỗi lo về sự an toàn của người thân bị tội phạm mua bán người gây ra. Do đó, mua bán người không chỉ là hành vi phạm tội, mà đó là tội ác cần phải được pháp luật nghiêm trị thích đáng.
Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trước tình hình này, các cơ quan chức năng cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống mua bán người; trong đó cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống mua bán người. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm mua bán người và cảnh báo nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân.
Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đang được cơ quan chức năng xây dựng, lấy ý kiến góp ý và sẽ trình Quốc hội thông qua. Việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống mua bán người, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thực hiện các điều ước quốc tế liên quan vấn đề phòng chống mua bán người, nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống mua bán người trong tình hình mới.
Một khi chúng ta huy động tối đa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc phòng, chống mua bán người thì loại tội phạm này mới được ngăn chặn và đẩy lùi; cuộc sống người dân bình yên hơn.
NGUYỄN QUANG