Tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang diễn biến phức tạp với nhiều chiêu thức khác nhau, gây thiệt hại cho Nhà nước và người dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Hình thức lừa đảo mới quét mã QR để nhận tiền. Ảnh: CTV |
Các chiêu thức lừa đảo mới
Thực hiện Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật, bảo vệ người sử dụng dịch vụ tốt hơn trước tình trạng lừa đảo qua mạng, từ ngày 1/7/2024, các giao dịch điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt và vân tay.
Lợi dụng tình huống một số khách hàng gặp khó khăn trong quá trình thao tác cập nhật thông tin sinh trắc học, các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện, liên hệ khách hàng đề nghị hỗ trợ cài đặt sinh trắc học... Từ đó đánh cắp dữ liệu, thông tin cá nhân của nạn nhân.
Trong nhiều trường hợp, các đối tượng lừa đảo còn dụ nạn nhân gọi video để thu thập giọng nói, biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ của nạn nhân. Sau khi đánh cắp dữ liệu, đối tượng lừa đảo sẽ đăng nhập vào các ứng dụng ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thực hiện giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản (CĐTS).
Thời gian qua, ngành Thuế Phú Yên đã đẩy mạnh công tác hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường giao dịch điện tử, cung cấp thông tin cho người nộp thuế. Tuy nhiên, lợi dụng việc này, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng một số thủ đoạn công nghệ, kỹ thuật để mạo danh cán bộ thuế, cơ quan thuế nhằm lừa đảo đánh cắp, chiếm đoạt thông tin, tài sản của người nộp thuế.
Chị Nguyễn Quỳnh Khanh ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Vừa rồi, tôi nhận một cuộc gọi từ số máy lạ, người này tự giới thiệu là nhân viên của Cục Thuế Phú Yên và yêu cầu hỗ trợ tôi cài đặt các ứng dụng của ngành Thuế trên điện thoại di động để được hoàn thuế thu nhập cá nhân trong năm qua. Nhận được thông tin này, tôi biết ngay thủ đoạn của tội phạm lừa đảo CĐTS, vì năm qua tôi thu nhập không cao, không đến mức đóng thuế thu nhập cá nhân thì không thể có việc ngành Thuế hoàn thuế thu nhập cá nhân cho tôi.
Sau đó, tôi mới biết một vài bạn bè, đồng nghiệp của tôi cũng nhận được những cuộc gọi có nội dung tương tự. Cũng may, thời gian qua, chúng tôi thường xuyên đọc các thông tin cảnh báo của cơ quan chức năng về các thủ đoạn, chiêu thức lừa đảo của tội phạm lừa đảo CĐTS nên đề cao tinh thần cảnh giác”.
Thực hiện “4 không”
Mới đây, cơ quan công an cũng cảnh báo một hình thức lừa đảo mới của tội phạm lừa đảo CĐTS. Theo đó, đối tượng lừa đảo sẽ gửi mã QR cho nạn nhân, dụ nạn nhân nhận quà thưởng hoặc tiền mặt, nhưng thực chất thông qua mã QR này, chúng chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân.
Các đối tượng lừa đảo thường treo các thẻ nhựa có mệnh giá 30.000, 50.000, 100.000 đồng trên xe gắn máy hoặc trước cửa nhà dân, khi người dân quét mã QR, điện thoại sẽ bị xâm nhập, bị chiếm quyền điều khiển và các đối tượng lừa đảo dễ dàng lấy tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Theo Bộ Công an, trong 5 tháng đầu năm 2024, thiệt hại do tội phạm lừa đảo CĐTS đã vượt hơn 4.000 tỉ đồng, chiếm 94% tổng thiệt hại của cả năm 2023. Qua điều tra, Bộ Công an phát hiện những nhóm lừa đảo hoạt động chuyên nghiệp như một nghề để kiếm sống, chúng liên tục nghiên cứu các chính sách mới để xây dựng các kịch bản lừa đảo.
Vì vậy, cơ quan chức năng lưu ý người dân tuyệt đối không kết bạn với người lạ trên mạng xã hội, không chuyển khoản khi các cá nhân không quen biết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu chuyển tiền; không nhận tiền, tài sản, quà tặng không rõ nguồn gốc một cách dễ dàng; không hoảng sợ khi nhận được các thông tin mà người lạ gửi đến có nội dung xấu về việc cá nhân và người thân có liên quan đến các vụ việc, vụ án…
Trên địa bàn Phú Yên, tình hình tội phạm lừa đảo CĐTS tiếp tục diễn biến phức tạp, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến tình hình ANTT địa phương và đời sống nhân dân. Cuối tháng 6 vừa qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh phát đi thông báo về tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến để thực hiện hành vi lừa đảo CĐTS.
Đồng thời đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, không tải, cài đặt, truy cập các đường link, ứng dụng theo yêu cầu của người lạ; đồng thời lưu ý các cơ quan chức năng không làm việc (định danh, nâng cấp tài khoản...) qua điện thoại, mạng xã hội; các website của cơ quan nhà nước có định danh “gov.vn”. Trường hợp phát hiện bị lừa đảo, người dân cần tố giác, trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý theo quy định.
Đại tá Phan Thanh Tám, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Công an Phú Yên đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, vừa tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, vừa phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành tuyên truyền, vận động, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo CĐTS.
Cơ quan công an cũng tích cực đấu tranh, triệt xóa các nhóm đối tượng lừa đảo CĐTS, liên tục tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn cách nhận diện các thủ đoạn, phương thức lừa đảo phổ biến cũng như các thủ đoạn, phương thức lừa đảo mới hiện nay để người dân biết cách phòng tránh.
Công an Phú Yên tích cực đấu tranh, triệt xóa các nhóm đối tượng lừa đảo CĐTS, liên tục tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn cách nhận diện các thủ đoạn, phương thức lừa đảo phổ biến cũng như các thủ đoạn, phương thức lừa đảo mới hiện nay để người dân biết cách phòng tránh. Đại tá Phan Thanh Tám, Giám đốc Công an tỉnh |
NGỌC QUỲNH