Chủ Nhật, 16/06/2024 22:45 CH
Ngăn chặn tội phạm vị thành niên
Thứ Tư, 22/05/2024 15:00 CH

Phiên tòa giả định - một hình thức nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh trong trường học. Trong ảnh: Sở Tư pháp và Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức phiên tòa giả định phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh ở TX Sông Cầu. Ảnh: NGỌC DUNG

Những năm gần đây, tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội có chiều hướng gia tăng, trong đó xuất hiện cả những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

 

Đây không chỉ là nỗi đau của những gia đình có con em phạm tội, mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho cộng đồng. Điều này đặt ra nhiều vấn đề trong công tác chăm sóc, giáo dục và quản lý trẻ vị thành niên hiện nay.

 

Nhiều vụ việc đau lòng

 

Tháng 11/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố bị can đối với N.V.Đ (SN 2008, trú xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa) về tội giết người. Nguồn cơn của vụ án bắt nguồn từ những mâu thuẫn của Đ với V.C.B (trú cùng xã Sơn Thành Tây). Trong quá trình học chung tại một trường THPT thuộc huyện Tây Hòa, Đ nhiều lần bị B bắt nạt, chửi, đánh, nên uất ức tức giận, nảy sinh ý định trả thù.

 

Hôm ấy, Đ mang một con dao cất giấu trong nhà vệ sinh của trường, rồi đi tìm B “nói chuyện”. Sau khi gặp nhau, hai bên xảy ra mâu thuẫn, Đ đã cầm dao đâm B trúng ngực, gây thương tích 50%.

 

Theo Công an tỉnh, ngày 27/9/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; gây rối trật tự công cộng xảy ra ngày 25/6/2023. Đến ngày 17/4/2024, lực lượng chức năng khởi tố bị can đối với 20 đối tượng là thanh thiếu niên, tuổi đời còn rất trẻ, từ 16-20 tuổi về tội gây rối trật tự công cộng.

 

Các đối tượng bị khởi tố trong vụ án hầu hết đều có tiền án, tiền sự về các hành vi xâm phạm đến ANTT ở địa phương. Vụ việc xảy ra là điều đáng tiếc, đau lòng cho một số gia đình có con em vướng vào tố tụng. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho những thanh thiếu niên xem thường pháp luật và các bậc cha mẹ thiếu sự quan tâm, giáo dục con em mình.

 

Đâu là giải pháp?

 

Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13.000 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Riêng Phú Yên, trong năm 2023 xảy ra 71 vụ với 226 đối tượng liên quan đến người dưới 18 tuổi phạm pháp hình sự và vi phạm pháp luật.

 

Theo Điều 101 Bộ luật Hình sự, người trên 16 tuổi đến dưới 18 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng không quá 18 năm tù; còn người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù.

 

Luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên

 

Thực tế cho thấy, thanh thiếu niên là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất, nhưng tâm sinh lý thường có những bất ổn, nổi loạn, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc, dễ thực hiện những hành vi mang tính bộc phát. Cùng với đó, cuộc sống của giới trẻ ngày nay đều ảnh hưởng ít nhiều bởi việc sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, TikTok, game bạo lực…

 

Nhiều thanh, thiếu niên bị ảnh hưởng bởi “thế giới ảo”, lệch lạc trong suy nghĩ, nhận thức, học theo những hành động này để giải quyết mâu thuẫn trong đời sống. Phần lớn thanh thiếu niên phạm tội đều sống trong những gia đình không hạnh phúc, thiếu sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ, người thân. Bên cạnh đó, một số gia đình vì áp lực mưu sinh, không có thời gian để quan tâm đến con cái, dẫn đến trẻ có hành vi xấu hoặc vi phạm pháp luật nhưng gia đình không kịp phát hiện để uốn nắn kịp thời.

 

Trong những năm qua, ngành chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi, manh động. Nếu như trước đây, trẻ vị thành niên chủ yếu phạm các tội trộm cắp, gây rối trật tự công cộng thì nay ngày càng nghiêm trọng hơn với các tội danh như: giết người, cướp tài sản, mua bán, sử dụng ma túy...

 

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) chia sẻ: Tình trạng tội phạm trẻ hóa đang có chiều hướng gia tăng là vấn đề đáng quan ngại bởi lẽ tội phạm vị thành niên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cá nhân người phạm tội, mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình và cộng đồng. Theo TS Đào Trung Hiếu, để phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng này, giải pháp căn cơ nhất vẫn là giáo dục, cần phải bồi đắp cho trẻ về nhân cách, về lòng vị tha, giúp trẻ kiểm soát những độc tố trong tâm hồn.

 

Việc giáo dục trẻ không chỉ có khẩu giáo mà phải bằng thân giáo, bản thân người lớn phải nêu gương từ hành động của mình. Cùng với đó, ngành chức năng cần tích cực đấu tranh mạnh mẽ với những yếu tố tiêu cực xã hội trên không gian mạng, phim ảnh bạo lực. Các hội, đoàn thể, địa phương cần triển khai các giải pháp làm lành mạnh hóa môi trường sống, xây dựng cộng đồng dân cư, phòng chống tội phạm ngay từ cơ sở. Ngoài ra, gia đình cần có biện pháp giáo dục, quản lý con cái phù hợp hơn.

 

Theo ông Nguyễn Hoàng Thành (Đoàn Hội thẩm nhân dân TAND tỉnh), việc giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Các em thiếu hiểu biết về pháp luật dễ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, vì vậy, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh trong nhà trường nói riêng, cho giới trẻ ngoài xã hội và người dân nói chung. 

 

NGỌC DUNG

 
BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek