Thứ Năm, 28/11/2024 00:53 SA
Trợ giúp pháp lý phải đảm bảo tính xã hội hoá và chỉ dành cho một số đối tượng
Thứ Tư, 03/05/2006 07:59 SA

* Luật sư cần được tham gia bào chữa từ giai  đoạn điều tra

 

Qua lấy ý kiến từ các ngành tư pháp, toà án, công an, viện kiểm sát nhân dân, Hội luật gia và Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên đối với dự thảo Luật trợ giúp pháp lý, đa số đều nhất trí những nội dung các điều, khoản về cơ bản đã đáp ứng những yêu cầu, mục đích của việc trợ giúp pháp lý nhằm giúp cho người nghèo, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi Nhà nước tiếp cận trong việc thực thi pháp luật.

 

Hầu hết các ý kiến đề nghị không nên bổ sung thêm đối tượng người trợ giúp pháp lý là thành viên, hội viên của các tổ chức, đoàn thể xã hội. Vì nếu đưa những đối tượng trên vào luật sẽ không phân biệt được đối tượng giàu, nghèo, trong khi ý nghĩa của việc trợ giúp pháp lý là nhằm giúp cho người nghèo không có khả năng kinh tế để chi trả cho dịch vụ pháp lý. Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị cần bổ sung thêm hạ sĩ quan và binh sĩ đang tại ngũ cũng thuộc diện được trợ giúp pháp lý vì đây là những người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự cần ưu tiên để khuyến khích, động viên.

 

Trong việc thực hiện xã hội hoá trợ giúp pháp lý, nhiều ý kiến đề nghị chỉ sử dụng các trung tâm tư vấn pháp luật hiện nay và khuyến khích các trung tâm này đảm nhận thêm chức năng trợ giúp pháp lý miễn phí. Như vậy sẽ phù hợp với các tổ chức hiện hành cũng như đảm bảo khả năng tồn tại các tổ chức này trong cơ chế thị trường, đồng thời giảm bớt gánh nặng về ngân sách. Các ý kiến cũng đồng ý không nên có luật sư trợ giúp pháp lý Nhà nước vì không phù hợp với chủ trương xã hội hoá, không phù hợp với pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về luật sư.

 

Nhiều ý kiến cũng đã góp ý một số điều luật cụ thể; như trong điểm b, khoản 2 của điều 23 đề nghị thay cụm từ “trình độ cử nhân luật” bằng cụm từ “có bằng cử nhân luật”.

 

* Cùng thời điểm, tỉnh Phú Yên cũng tiến hành lấy ý kiến các cơ quan chức năng dự thảo Luật về Luật sư. Đa số các ý kiến đều nhất trí với nội dung nhưng đề nghị lấy tên là Luật Luật sư.  Về phạm vi điều chỉnh của luật là có sự kế thừa Pháp lệnh Luật sư năm 2001 và điều chỉnh cả luật sư cũng như tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Đối với việc có nên đưa bào chữa viên nhân dân, người đại diện hợp pháp vào trong luật hay không, nhiều ý kiến cho rằng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã qui định cụ thể về quyền hạn cũng như nghĩa vụ của hai người này nên trong Luật về Luật sư không nên đưa vào.

 

Nhiều ý kiến thống nhất phương án hai về hình thức luật sư hành nghề, đó là luật sư có thể thành lập, tham gia thành lập Văn phòng, Công ty luật hoặc làm việc theo hợp đồng của Văn phòng, Công ty luật; nhưng không tán thành việc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân.

 

Về hoạt động tham gia tố tụng của luật sư, đa số ý kiến thống nhất với phương án hai của dự thảo. Trong đó nhấn mạnh vào khoản 3 của điều 23: Trường hợp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam được người đại diện hợp pháp mời luật sư để bào chữa cho họ. Cơ quan tố tụng có trách nhiệm hướng dẫn luật sư được gặp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam để họ xác nhận việc đồng ý mời luật sư. Vì thực tế hiện nay quyền được bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam theo qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự gặp rất nhiều trở ngại. Cơ quan điều tra, giám thị các trại tạm giam gây rất nhiều khó khăn cho các luật sư tiếp cận, trao đổi với người bị tạm giam. Đồng thời, đề nghị nên quy định để luật sư được tham gia bào chữa từ giai đoạn điều tra là làm trong sáng và thuận lợi trong hoạt động tư pháp trong công tác xét xử.

 

Nhiều ý kiến cho rằng không nên hạn chế việc luật sư chỉ được gia nhập Đoàn luật sư tại nơi cư trú  mà luật sư có quyền gia nhập bất cứ Đoàn luật sư nào trong phạm vi toàn quốc. Về điều 11 khoá đào tạo nghề luật sư, các ý kiến đề nghị trong Luật cần qui định cụ thể thời gian của khoá đào tạo, không nên qui định khoảng thời gian như trong dự thảo. Tuy vậy, thời gian khóa đào tạo nghề luật sư nên giao cho Chính phủ  điều chỉnh, không nhất thiết phải qui định  trong dự thảo luật.

 

Về điều 12 của dự thảo luật có ý kiến đề nghị sửa các cụm từ “thẩm tra viên trung cấp”, “kiểm tra viên trung cấp” thành “thẩm tra viên chính”, “kiểm tra viên chính” để phù hợp với qui định của ngành Toà án và Kiểm sát. Đối với điều 17 của dự thảo luật, tại điểm C, khoản 2 qui định “Tham gia tố tụng trong các vụ án do các cơ quan liên quan tiến hành tố tụng yêu cầu theo sự phân công của Đoàn luật sư”. Nhiều ý kiến cho rằng quy định như vậy là không hợp lý, vì theo quy định tại điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Đoàn Luật sư chỉ phân công văn phòng luật sư cử người bào chữa, còn văn phòng luật sư cử luật sư nào là quyền của Văn phòng đó.  

 

Các ý kiến cũng đã đề nghị bỏ điều 80 trong dự thảo luật vì cho rằng quy định cụ thể Xử phạt vi phạm hành chính bằng cảnh cáo hoặc phạt tiền là không phù hợp với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Hơn nữa điều 79 đã quy định về vấn đề này…

 

THẾ LẬP

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek