Trong những phiên tòa hình sự, không chỉ có nước mắt xót xa nghẹn ngào của người thân trong gia đình người phạm tội, mà còn có cái nhìn đau đáu tìm về người thân cùng nỗi hối hận, ăn năn muộn màng của các bị cáo. Hy vọng đằng sau những bản án, những cuộc đời lầm lỗi sẽ thức tỉnh, hoàn lương, biết sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Nghẹn ngào tìm bóng dáng con thơ
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng diễn ra vào một ngày chớm đông. 7 bị cáo trong vụ án này ở nhiều tỉnh, thành khác nhau như: Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Quảng Bình. Từ năm 2021-2022, thông qua mạng xã hội và tại nơi cư trú, các bị cáo đã có hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng với hàng trăm viên đạn AK47, Colt45 cùng nhiều khẩu súng bút, súng trường…
Phiên tòa kéo dài cả ngày nhưng không có nhiều người thân của các bị cáo đến dự như các phiên tòa thường lệ. Trong số các bị cáo, người thân của bị cáo N.M.H (29 tuổi, ở TX Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) lại có đủ mẹ, vợ con vàem trai. Từ Quảng Bình xa xôi, họ vượt chặng đường gần 750km để vào Phú Yên tham dự phiên tòa. Gia đình H thuộc diện khó khăn, H là thợ điện, nước - là lao động chính trong nhà. Vợ chồng H có 3 con nhỏ, đứa lớn nhất 5 tuổi, đứa nhỏ nhất chưa được 1 tuổi. Thu nhập hàng tháng không đủ trang trải cuộc sống gia đình nên H nghĩ đến việc mua bán trái phép vũ khí quân dụng để kiếm lời.
Nỗi đau hiện rõ trên gương mặt âu lo, thất thần của mẹ, em trai H khi nghe đại diện Viện KSND tỉnh Phú Yên công bố bản luận tội H. Vì quy định của tòa án không cho trẻ em tham dự, nên suốt phiên xét xử, vợ H địu đứa con nhỏ chưa đầy 1 tuổi nghẹn ngào đứng khép nép phía ngoài cửa dõi ánh mắt vào phòng xử án đầy lo lắng. Thi thoảng đứa nhỏ lại quấy khóc vì khát sữa, khiến người mẹ trẻ vô cùng bối rối. Nghe tiếng khóc của con, bị cáo H nhiều lần ngoái đầu nhìn ra cửa tìm kiếm bóng dáng con thơ…
Đại diện Viện KSND tỉnh nói: Bị cáo H cũng như các bị cáo khác làngười có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Hành vi của các bị cáo là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến chế độ quản lý vũ khí của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến lực lượng trị an ở địa phương nên cần xử với mức án nghiêm để răn đe, giáo dục, qua đó phòng ngừa chung cho xã hội. Sau khi xem xét tính chất, hành vi, hậu quả, nhân thân các bị cáo, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo H 2 năm tù, các bị cáo còn lại trong vụ án này cũng bị tuyên phạt với mức án tương xứng với mức độ, hành vi phạm tội của mỗi người.
Kết thúc phiên tòa, H nhanh chóng được dẫn giải ra xe để trở về trại giam. Nhìn người thân chạy đến bên cạnh, H không giấu nổi xúc động. H dùng đôi tay đang bị còng chạm vào con nhỏ, nghẹn ngào hôn con. Vợ chồng H chỉ được nhìn nhau trong giây lát. Chiếc xe thùng nhanh chóng chở H rời khỏi sân tòa…
Nỗi đau của một người cha
Phiên tòa hôm ấy rất đông người dự khán, họ là người thân của các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án phá rừng có quy mô lớn tại vùng rừng giáp ranh giữa huyện Sông Hinh và Tây Hòa. 34 bị cáo đưa ra xét xử với các tội: Hủy hoại rừng; vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản; lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hai nhóm lâm tặc trong vụ này với sự giúp sức của hàng loạt cán bộ, nhân viên quản lý rừng đã san ủi 7.470m2 đất rừng, đốn hạ trái phép hàng trăm cây gỗ các loại, tổng thiệt hại về lâm sản và môi trường hơn 1 tỉ đồng.
Trong số bị cáo bị đưa ra xét xử thì bị cáo N.H.L (SN 1979, trú huyện Tây Hòa) bị tuyên phạt mức án cao nhất là 9 năm tù về 2 tội: Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản và hủy hoại rừng. Ngoài ra, em ruột của L là bị cáo N.H.H (SN 1986, trú huyện Sông Hinh) cũng chịu mức án 4 năm tù.
Trong suốt 3 ngày diễn ra phiên xét xử, có một người đàn ông tóc điểm bạc, trạc ngoài 70, dáng chân quê cao gầy ngồi lọt thỏm giữa đám đông, lặng lẽ theo dõi phiên tòa. Ông là cha của 2 bị cáo L và H. Ông nói, trong các con của mình, L là con trai đầu, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, còn H trước đây là giáo viên, lương hàng tháng không đủ lo cho vợ con nên nghỉ dạy ở nhà làm nghề gỗ, rồi vướng vào lao lý. Ông tặc lưỡi lắc đầu: “Thấy tụi nó giờ bị như vậy, tôi rất buồn...”. Đi qua những tháng ngày âu lo, mất ăn mất ngủ, giờ ông tập bình thản đón nhận mọi chuyện. Nuốt nỗi buồn đắng đót vào lòng, ông nói giờ ông đã có tuổi, nhưng con cái lâm vào cảnh này, mình không thể buông tay, phải lo lắng cho gia đình, con cái chúng chứ biết sao...
Mỗi phiên tòa sau khi khép lại, có bị cáo bị kết án chỉ vài tháng tù, nhưng có những bị cáo bị kết án hàng chục năm tù... Phía sau song sắt là khoảng lặng cần thiết để những cuộc đời lầm lỗi ăn năn hối cải, thức tỉnh, trở về hoàn lương. Cũng mong rằng, sau mỗi vụ án sẽ là bài học cảnh tỉnh để mỗi người sống trong xã hội tuân thủ pháp luật, sống có ích với bản thân, gia đình và xã hội. |
NGỌC DUNG