Thực tiễn xét xử của ngành tòa án thời gian qua cho thấy, đa số án tử hình chỉ áp dụng đối với những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như giết người, các tội sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy.
Tội phạm về chức vụ được hiểu là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm uy tín, hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, lợi ích Nhà nước, quyền- lợi ích hợp pháp của công dân do người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình thực hiện trong khi thi hành công vụ. Trong Bộ luật Hình sự 1999, các tội phạm về chức vụ được quy định tại chương XXI gồm 2 mục: Các tội phạm về tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ.
Theo quy định về hình phạt trong chương XXI, mức án tử hình có thể được áp dụng đối với ba tội: tham ô tài sản, đưa hối lộ và nhận hối lộ. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử của ngành tòa án thời gian qua cho thấy, tuyệt đại đa số án tử hình chỉ áp dụng đối với những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như giết người, các tội sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy. Còn đối với các tội khác như tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng... thì chưa thấy được áp dụng.
Trên thực tế, diễn biến các vụ án tham nhũng ngày càng phức tạp với những hành vi, thủ đoạn phạm tội tinh vi như chạy dự án, khảo sát thiết kế, duyệt nhà thầu, thi công, giám sát, nghiệm thu, quyết toán công trình, rút bớt nguyên vật liệu, thay đổi vật tư trong công trình... nhằm thu lợi cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, nhiều vụ án gây thiệt hại cho Nhà nước lên tới hàng chục tỷ đồng. Điểm nổi bật của các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thi hành công vụ. Nếu cơ chế quản lý của Nhà nước hợp lý, thủ tục hành chính công khai, nhanh gọn, chính xác, thì đây là “điều kiện cần” tiên quyết để ngăn chặn tội phạm loại này “sinh sôi nảy nở”. Mặt khác, nếu thêm “điều kiện đủ” đảm bảo chế độ tiền lương của cán bộ, công chức được cải thiện, cũng sẽ giúp hạn chế loại tội phạm này. Có thể thấy, các bị cáo phạm vào nhóm tội tham nhũng một phần chính là do cơ chế quản lý chưa phù hợp. Sẽ là cứng nhắc và quá nghiêm khắc nếu áp dụng hình phạt tử hình đối với ba tội danh tham ô, đưa hối lộ và nhận hối lộ. Thay vào đó, nên chăng tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp khả thi giúp truy thu được toàn bộ số tài sản mà các đối tượng tham nhũng đã chiếm đoạt. Đây là mục đích cuối cùng, song lại bị đánh giá là khâu khá yếu hiện nay.
Cùng với ba tội danh có kiến nghị bỏ hình phạt tử hình như đã nêu ở trên, còn một số tội khác cũng được đề xuất bỏ hình phạt tử hình như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả; tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
(TTXVN)