Trợ giúp pháp lý (TGPL) là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đối tượng yếu thế trong xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Khánh Duy, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh (Trung tâm) xung quanh nội dung này.
* Thưa bà, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác TGPL cho người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế trong xã hội. Thời gian qua, Trung tâm đã triển khai hoạt động TGPL miễn phí như thế nào?
- Cùng với sự ra đời của hệ thống tổ chức TGPL Việt Nam, Trung tâm thuộc Sở Tư pháp tỉnh được thành lập theo Quyết định 340 ngày 10/2/1999 của Chủ tịch UBND tỉnh. Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay, Trung tâm cơ bản được củng cố kiện toàn với 17 biên chế viên chức, người lao động, trong đó có bốn trợ giúp viên pháp lý, một phó giám đốc phụ trách, hai phòng chuyên môn và chín luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL.
25 năm qua, Trung tâm không ngừng nỗ lực để trở thành địa chỉ tin cậy cho người nghèo, người cận nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo và những người có khó khăn về tài chính đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng trên địa bàn tỉnh. Trung tâm đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về TGPL lưu động, cấp phát tờ gấp pháp luật; xây dựng các chuyên mục bằng tiếng Việt trên đài truyền thanh xã nghèo, xã có thôn, buôn đặc biệt khó khăn; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ TGPL các địa phương. Đồng thời phối hợp với phòng tư pháp 9 huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp, hội LHPN, hội người mù tiếp nhận, thực hiện TGPL 25.074 vụ việc. Ngoài ra, Trung tâm tăng cường phối hợp với các cơ quan liên ngành lắp đặt, niêm yết 165 bảng tin, 141 hộp tin TGPL tại nơi tiếp dân của cơ quan tiến hành tố tụng các cấp, trại tạm giam, nhà tạm giữ và các cơ quan liên quan trên địa bàn để truyền thông về hoạt động TGPL; cung cấp miễn phí mẫu đơn đề nghị TGPL, các tờ gấp pháp luật về TGPL cho người dân. Trung tâm cũng đã tham mưu với hội đồng phối hợp liên ngành tổ chức các đợt kiểm tra về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phối hợp thực hiện các hoạt động TGPL cho người dân… Qua đó giúp các đối tượng yếu thế được tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Khánh Duy |
* Pháp luật hiện nay ghi nhận trợ giúp viên pháp lý có vai trò tương đương như một luật sư công trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng TGPL. Để nâng cao chất lượng hoạt động tham gia tố tụng của trợ giúp viên, Trung tâm đã triển khai các hoạt động ra sao, thưa bà?
- Để nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ TGPL cho đội ngũ người thực hiện TGPL trên địa bàn tỉnh, Trung tâm đã tham mưu Giám đốc Sở Tư pháp cử 23 viên chức tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ luật sư do Học viện Tư pháp tổ chức. Đồng thời tạo điều kiện cho 20 viên chức tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL do Cục TGPL tổ chức. Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức 5 lớp tập huấn về kỹ năng nghiệp vụ cho các trợ giúp viên pháp lý, luật sư - cộng tác viên, cộng tác viên pháp lý, ban chủ nhiệm câu lạc bộ TGPL ở các địa phương.
Tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã thực hiện trợ giúp 100% yêu cầu của người được TGPL liên quan đến hình sự, dân sự, hành chính và một số lĩnh vực khác. Số vụ, việc được trợ giúp tăng lên qua từng năm, chất lượng trợ giúp vụ, việc ngày càng được nâng cao. Từ đó góp phần hạn chế các trường hợp oan sai, đảm bảo quyền lợi tốt nhất của các đối tượng TGPL theo quy định của pháp luật, góp phần ổn định an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội.
* Thưa bà, thời gian tới, Trung tâm có những định hướng hoạt động ra sao để đưa công tác TGPL đến với người dân nhiều hơn?
- Chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về công tác TGPL. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức pháp luật, TGPL trên các phương tiện truyền thông; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vai trò của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động TGPL, nhất là cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác giải thích pháp luật cho đối tượng người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, đương sự trong các vụ án, để các bị can, bị hại, đương sự trong các vụ án nhận thức được rằng cần phải có trợ giúp viên pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; tăng cường công tác xác minh các đối tượng TGPL để không bỏ lọt đối tượng được TGPL. Ngoài ra, Trung tâm sẽ tổ chức các hoạt động tổ chức tập huấn chuyên sâu về các quy định của pháp luật, các bộ luật tố tụng có liên quan về TGPL. Thời gian tới, Trung tâm mong nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành nhiều hơn nữa để phát huy hiệu quả công tác TGPL trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật cho các đối tượng chính sách và người yếu thế trong xã hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
* Xin cảm ơn bà!
Với những đóng góp trên, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Phú Yên vinh dự được UBND tỉnh xếp hạng là đơn vị sự nghiệp hạng II; danh hiệu thi đua Tập thể lao động tiên tiến trong nhiều năm và nhiều phần thưởng cao quý khác. |
NGỌC QUỲNH (thực hiện)