Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cháy đối với loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn PCCC. Ảnh: XUÂN HIẾU |
Vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke tại số 231 phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội ngày 1/8 gây thiệt hại lớn về tài sản và làm 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) hy sinh khi tham gia chữa cháy và CNCH.
Vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke tại số 166C, khu phố 1A, phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương ngày 6/9 làm chết 32 người.
Dễ cháy, khó chữa
Nguyên nhân của những vụ cháy trên được chỉ ra là do các cơ sở kinh doanh này thường được thiết kế kín để tránh tiếng ồn, mặt trước của tòa nhà hầu như bị che chắn bởi các biển quảng cáo. Thêm vào đó, điều kiện thông gió tại các cơ sở kém, khi xảy ra cháy sẽ gây ra hiện tượng tụ khói, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và CNCH. Các cơ sở kinh doanh karaoke thường sử dụng các vật liệu trang trí nội thất cách âm dễ cháy như: mút, xốp, cao su, phông rèm... Khi cháy các vật liệu này sẽ tỏa ra nhiệt lượng lớn, tốc độ lan truyền ngọn lửa nhanh, sinh ra nhiều khói, khí độc, nếu không phát hiện sớm, kịp thời thoát nạn ra ngoài sẽ nhiễm độc khói và tử vong.
Mặt khác, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke thường được chuyển đổi công năng sử dụng từ nhà ở thành cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhưng các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC thường bị chủ cơ sở lơ là, xem nhẹ. Cụ thể: Lối và đường thoát nạn không bảo đảm; không trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy, hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động... và bất cẩn khi hàn cắt kim loại trong quá trình sửa chữa, cải tạo, nâng cấp.
Giải pháp an toàn
Để đảm bảo an toàn PCCC, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Đối với chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, phải tuyệt đối tuân thủ, chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ có điều kiện, đặc biệt là quy định an toàn PCCC. Trong đó cần lưu ý: Tổ chức cho nhân viên tìm hiểu, học tập các kiến thức, kỹ năng về PCCC và thoát nạn khi có cháy xảy ra. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở nhân viên chấp hành quy định an toàn PCCC. Đồng thời, quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt nơi đun nấu, thờ cúng...; hệ thống điện, thiết bị điện công suất cao phải lắp đặt các thiết bị bảo vệ chống quá tải, chập mạch...; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ, phương án thoát nạn, di chuyển người bị nạn ra nơi an toàn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Đối với người dân cần nâng cao ý thức, tự tìm hiểu học tập để trang bị, nâng cao kỹ năng, kiến thức cơ bản về PCCC và kỹ năng xử lý, thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra tại nơi ở, nơi làm việc, nơi vui chơi giải trí. Khi đến các nơi vui chơi, giải trí cần chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; không mang chất cháy, nổ đến những nơi này; cần quan sát các lối thoát nạn để kịp thời xử lý và thoát nạn an toàn cho chính bản thân mình khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Các cơ sở kinh doanh karaoke thường sử dụng các vật liệu trang trí nội thất, cách âm dễ cháy như: mút, xốp, cao su, phông rèm... Khi cháy các vật liệu này sẽ tỏa ra nhiệt lượng lớn, tốc độ lan truyền ngọn lửa nhanh, sinh ra nhiều khói, khí độc, nếu không phát hiện sớm, kịp thời thoát nạn ra ngoài sẽ nhiễm độc khói và tử vong. |
Thượng tá ĐÀO THẾ HẢI
Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh