Thứ Ba, 26/11/2024 13:26 CH
Nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án tồn, án bị hủy
Thứ Tư, 20/07/2022 13:00 CH

Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lê Trung Hưng tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU. Ảnh: NGỌC DUNG

Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU ngày 8/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại; các vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại trên địa bàn tỉnh đã giảm rõ rệt. Kết quả này là nền tảng vững chắc để lãnh đạo các cơ quan tố tụng tiếp tục chỉ đạo xây dựng mối quan hệ phối hợp hiệu quả trong việc giải quyết các loại án phức tạp này.

 

Những kết quả tích cực

 

Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lê Trung Hưng cho biết: Để giải quyết dứt điểm các vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại của những năm trước, ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 33-CT/TU, lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện ở viện KSND hai cấp. Trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết án hình sự, nhất là giải quyết các vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại; xác định chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của đơn vị; tăng cường phối hợp với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ, giải quyết dứt điểm các vụ án tồn đọng, án bị hủy để điều tra, xét xử lại. Mặt khác, phân công các kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án này...

 

Qua 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU, lãnh đạo các cơ quan tư pháp Phú Yên đã nâng cao trách nhiệm, quan tâm chỉ đạo chặt chẽ việc giải quyết các vụ án này; công tác phối hợp giữa các cơ quan liên ngành công an - viện kiểm sát - tòa án được tăng cường; về cơ bản việc giải quyết các vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại đều đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra các trường hợp viện kiểm sát truy tố, tòa án tuyên bị cáo không phạm tội, hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp tục hủy án để điều tra, xét xử lại. Tính từ tháng 5/2019-5/2022, liên ngành tư pháp đã giải quyết và án đã có hiệu lực pháp luật 69/80 vụ với 260/320 bị cáo theo danh mục án tồn, đạt 86,25%. Trong đó có nhiều vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại kéo dài từ nhiều năm trước được Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo và Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc đã giải quyết xong, nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội. Đơn cử như vụ Nguyễn Kiệm và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở huyện Đồng Xuân xảy ra từ tháng 7/2010; vụ Phạm Văn Vương về tội cố ý gây thương tích xảy ra từ năm 2013; vụ hủy hoại rừng ở Sơn Hòa xảy ra từ năm 2011...

 

Là một trong những đơn vị có nhiều cố gắng trong việc giải quyết án tồn ở địa phương, Viện trưởng Viện KSND TP Tuy Hòa Lê Hồng Khoáng cho biết: 3 năm qua, các cơ quan tư pháp trên địa bàn TP Tuy Hòa đã giải quyết xong 12/13 vụ án, đạt 92%. Kết quả này có được là nhờ Chỉ thị 33-CT/TU giúp cho công tác lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp được quan tâm đúng mức; công tác phối hợp liên ngành của các cơ quan tư pháp hiệu quả hơn trong quá trình giải quyết các vụ án tồn, án hủy để điều tra, xét xử lại trên địa bàn thành phố.

 

TAND tỉnh nâng cao chất lượng xét xử các vụ án. Ảnh: NGỌC DUNG

 

Giải pháp giải quyết hiệu quả

 

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị 33-CT/TU, theo đại tá Võ Duy Tuấn, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, thời gian tới, cơ quan cảnh sát điều tra, viện KSND, TAND hai cấp cần duy trì tốt mối quan hệ phối hợp trong công tác giải quyết nguồn tin về tội phạm, công tác bắt, giam giữ, điều tra xử lý tội phạm. Lãnh đạo liên ngành tư pháp hai cấp cần quan tâm hơn nữa trong việc phối hợp chỉ đạo, đánh giá chứng cứ, thống nhất quan điểm xử lý, giải quyết hiệu quả, đúng pháp luật nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Trong quá trình điều tra các vụ án, giữa điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán cần có sự phối hợp thường xuyên trong việc trao đổi thông tin, đánh giá chứng cứ, hành vi phạm tội và áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời hàng năm, liên ngành tư pháp tổ chức họp đánh giá kết quả, làm rõ nguyên nhân phát sinh các vụ án tồn, án bị hủy điều tra lại để tập trung chỉ đạo khắc phục các nguyên nhân khách quan, làm rõ những nguyên nhân mang tính chủ quan nhằm kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm của đơn vị, cá nhân để phát sinh vụ án thuộc diện Chỉ thị 33-CT/TU. Có thể xem xét đưa vụ án thuộc Chỉ thị 33-CT/TU vào diện cấp ủy Đảng địa phương theo dõi chỉ đạo thường xuyên để tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong giải quyết án thuộc Chỉ thị 33-CT/TU...

 

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU do Viện KSND tỉnh tổ chức mới đây, đại biểu của các cơ quan liên ngành tư pháp hai cấp ở Phú Yên đã chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc và đề ra các giải pháp giải quyết các vụ án tồn, án hủy để điều tra, xét xử lại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến án bị hủy như: do vi phạm thủ tục tố tụng, hủy do chứng cứ yếu không đảm bảo để quy kết, hủy do truy tố sai tội danh, sai khung hình phạt, hủy có thể do xét xử quá nhẹ không nghiêm... Hầu hết đại biểu đều cho rằng, để giải quyết các loại án phức tạp này, lãnh đạo liên ngành tư pháp phải phân công điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có trình độ, năng lực, kinh nghiệm; trong quá trình giải quyết, nếu các cơ quan liên ngành cấp dưới không thống nhất trong công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thỉnh thị lên cơ quan cấp trên để cho ý kiến chỉ đạo giải quyết và thủ trưởng các cơ quan tư pháp phải là người trực tiếp chỉ đạo giải quyết các vụ án này. Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trong ngành KSND; làm rõ những tồn tại, vi phạm trong quá trình giải quyết các vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời...

 

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Huy Đức, Chánh án TAND tỉnh cho biết, TAND hai cấp Phú Yên sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải quyết án tồn, án bị hủy; nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử; tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ nhất là các chức danh tư pháp; nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng điều khiển phiên tòa của đội ngũ thẩm phán; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết các loại án này... 

 

Qua 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cơ quan tư pháp Phú Yên đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác phối hợp giải quyết án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại. Mong rằng thời gian tới, các cơ quan liên ngành tư pháp phát huy hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác giải quyết các vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại, không để kéo dài, quá hạn luật định, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.

 

Đồng chí Đào Bảo Minh,

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy

 

NGỌC DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek