Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự như: Giả huy động vốn đáo hạn ngân hàng rồi lừa đảo, lừa đảo qua mạng xã hội, lừa đảo kinh doanh đa cấp… Do đó, cần có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn vấn nạn này.
Giả huy động vốn rồi lừa hàng tỉ đồng
TAND tỉnh vừa xử sơ thẩm, tuyên phạt hai bị cáo cùng trú TX Đông Hòa là Lương Thị Mỹ Linh (SN 1986, trú phường Hòa Hiệp Trung) 13 năm tù giam và Nguyễn Quy Vĩnh (SN 1986, trú xã Hòa Tâm) 2 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc các bị cáo phải liên đới trả lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt cho các bị hại.
Theo cáo trạng, từ năm 2016, Lương Thị Mỹ Linh vay tiền của nhiều người rồi cho Bùi Thị Như Trang vay lại hưởng chênh lệch tiền lãi. Đến tháng 7/2018, Linh bị Trang chiếm đoạt 430 triệu đồng nên Linh mất khả năng trả nợ cho những người Linh đã vay.
Để có tiền trả nợ và tiêu xài cá nhân, Linh nảy sinh ý định vay tiền của người này trả cho người khác, vay lần sau trả cho lần trước và sử dụng tên Dương Thị Mỹ Linh đứng tên vay tiền. Sợ người Linh hỏi vay biết Linh mất khả năng trả nợ không cho vay và để họ tin tưởng, từ ngày 2-10/3/2020, Linh đã nói dối là cần vay tiền để đáo hạn ngân hàng, trả tiền mua sơn và cho người khác vay lại đáo hạn ngân hàng... rồi chiếm đoạt của nhiều cá nhân trên địa bàn tỉnh như: Trương Thị Cúc 538 triệu đồng, Nguyễn Thị Bích Loan 490 triệu đồng, Nguyễn Thị Thùy Dung 150 triệu đồng. Trong đó, Nguyễn Quy Vĩnh đã thống nhất cùng với Linh nói dối với Loan là vay tiền cho Vĩnh đáo hạn ngân hàng. Sau đó, Vĩnh ghi tên giả “Trần Quốc Vĩnh” để ký giấy vay tiền, chiếm đoạt của Loan 120 triệu đồng rồi Vĩnh đưa tiền lại cho Linh.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cũng đã bắt tạm giam đối với bà Phạm Thị Bích Dợn (SN 1967, trú xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra ban đầu, từ năm 2016-2020, lợi dụng danh nghĩa kinh doanh bất động sản và đáo hạn ngân hàng, Phạm Thị Bích Dợn đã vay của nhiều người với số tiền lên đến 22 tỉ đồng rồi mất khả năng chi trả. Vì vậy, để có tiền trả nợ, Dợn đã lừa đảo chiếm đoạt của một cá nhân ở TX Đông Hòa 600 triệu đồng. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng theo quy định pháp luật.
Trước đó, vào trung tuần tháng 2 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Mỹ Trang (SN 1982, trú thôn Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An), Trần ThịKim Xuân (SN 1981, trú khu phốNgân Sơn, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) và Trần Thị Hường (SN 1975, tạm trú khu phố Hiệp Quyết, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Ba bị can này đã dùng thủđoạn đưa ra thông tin gian dối về việc góp vốn hợp tác đầu tư với một doanh nghiệp chuyên sản xuất bia và nước giải khát các loại để lừa đảo chiếm đoạt hơn 20 tỉ đồng của 6 nạn nhân.
Tăng cường ngăn chặn, xử lý
Theo thống kê của các cơ quan tố tụng ở Phú Yên, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự. Đặc biệt, tình trạng lừa đảo qua mạng internet, mạng viễn thông gia tăng (như lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn trúng thưởng tới các số điện thoại; giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam; giả danh cơ quan thực thi pháp luật gọi điện yêu cầu người dân nộp tiền vào tài khoản để kiểm tra, sau đó chiếm đoạt; chiếm đoạt quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội để lừa đảo; lừa đảo qua hoạt động trao đổi, mua bán hàng qua mạng…).
Để tăng cường ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo, UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu Công an tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thiết lập đường dây nóng tại các địa phương để tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân khi bị các đối tượng lừa đảo. Các sở, ban ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực theo dõi, phụ trách; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong các quy định và công tác quản lý (dễ bị đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản) để có biện pháp khắc phục; thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo các hình thức lừa đảo hiện nay để người dân phòng tránh.
Theo thẩm phán Võ Nguyên Tùng, Chánh tòa Hình sự, TAND tỉnh, cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự chuyển dịch sang nền kinh tế số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên tất cả lĩnh vực, các sản phẩm tài chính ngày càng đa dạng, nhiều hình thức giao dịch điện tử, trực tuyến được triển khai, dự báo tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có sự cấu kết giữa nhiều đối tượng trong và ngoài nước. Nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn thì hậu quả thiệt hại sẽ rất nghiêm trọng. Do đó, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngoài các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan công an, mọi công dân cần nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần cảnh giác, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn. Khi gặp phải những dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết và không trở thành các nạn nhân của những đối tượng này.
Luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên |
VĂN TÀI