Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội vừa ban hành Thông tư số 06/2008/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2005/NĐ - CP ngày 11/1/ 2005 của Chính phủ về quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về khiếu nại, tố cáo về lao động. Đối tượng nào được quyền đứng ra khiếu nại, tố cáo về lao động, thủ tục như thế nào?…Trao đổi với Báo Phú Yên, ông Nguyễn Văn Lãng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên cho biết:
Công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu - Ảnh: NGỌC HÂN |
Trong trường hợp người lao động (NLĐ) bị xử lý kỷ luật lao động, bị tạm đình chỉ công việc hoặc phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất nếu không yêu cầu giải quyết tranh chấp theo qui định của pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động thì có quyền khiếu nại theo qui định tại thông tư này.
* Người lao động có thể nhờ người khác đứng ra khiếu nại dùm được không, thưa ông?
- Về giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có thể tự mình thực hiện quyền khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp như: cha, mẹ đối với người lao động chưa thành niên; người giám hộ đối với người được giám hộ; người được tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Người khiếu nại phải có đơn ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại, họ, tên, địa chỉ, lý do, nội dung khiếu nại; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sử dụng lao động bị khiếu nại; yêu cầu của người khiếu nại. Đơn phải do người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ. Đơn khiếu nại phải được gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, khi nhận được đơn khiếu nại phải thụ lý để giải quyết và thông báo cho người khiếu nại bằng văn bản. Nếu đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết thì thông báo và hướng dẫn người khiếu nại gửi đơn đến người có thẩm quyền giải quyết, đồng thời gửi kèm các giấy tờ, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại (nếu có). Việc thông báo chỉ thực hiện một lần với một vụ việc khiếu nại.
Đối với đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm giải quyết nội dung khiếu nại, đồng thời chuyển nội dung tố cáo cho người có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 04/ 2005/NĐ- CP của Chính phủ.
* Với các trường hợp NLĐ khiếu nại lần đầu, cần phải tuân theo trình tự gì?
- Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại; đối với khiếu nại của tập thể lao động thì phải có sự tham gia của đại diện công đoàn cơ sở, đối với những nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì phải có đại diện của người lao động (công đoàn cấp trên), sự tham gia của hòa giải viên lao động hoặc tổ chức đoàn thể quần chúng khác. Việc giải quyết khiếu nại lần đầu phải bằng quyết định giải quyết khiếu nại.
* Khi NLĐ đứng ra tố cáo thì cần những thủ tục gì?
- Theo qui định tại thông tư, người tố cáo phải gửi đơn đến chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh - Xã hội hoặc thanh tra viên lao động khi đang tiến hành thanh tra tại doanh nghiệp. Trong đơn tố cáo phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo hoặc người đại diện tập thể lao động có đơn tố cáo; nội dung tố cáo. Trường hợp người tố cáo đến trình bày trực tiếp thì thanh tra viên lao động hoặc cán bộ thuộc sở Lao động - Thương binh - Xã hội có trách nhiệm ghi lại nội dung tố cáo, họ, tên, địa chỉ người tố cáo, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo để báo cáo chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh - Xã hội xem xét, giải quyết. Không xem xét, giải quyết những trường hợp tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký hoặc những trường hợp tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới.
* Xin cảm ơn ông!
ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC ĐỨNG RA KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ LAO ĐỘNG Là người lao động, tập thể lao động làm việc trong các tổ chức: Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức kinh tế - xã hội; tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp; tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã; cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp; đơn vị, tổ chức kinh tế thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân; cơ quan, tổ chức có ký kết hợp đồng với người lao động để đưa đi nước ngoài đào tạo, tu nghiệp, nâng cao tay nghề; trang trại, cá nhân, hộ gia đình có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; cơ sở bán công, dân lập, tư nhân thuộc các ngành văn hoá, y tế, giáo dục -đào tạo, khoa học, thể dục thể thao và các ngành khác; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế đóng trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động theo pháp luật lao động Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác. Người sử dụng lao động bao gồm: Tổng giám đốc, giám đốc doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; chủ nhiệm hợp tác xã, cá nhân, chủ hộ gia đình có thuê mướn lao động; thủ trưởng cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội -nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; thủ trưởng đơn vị, tổ chức kinh tế thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Tổng giám đốc, giám đốc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế đóng tại Việt Nam có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Giám đốc các doanh nghiệp, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân người Việt
KIM CHI (thực hiện)